Dân Việt

Giảng viên về vườn "nghịch đất" trồng lan Vũ nữ, lãi 50 triệu/tháng

Văn Long 22/12/2017 06:30 GMT+7
Từng là giảng viên đại học chuyên ngành tin học, nhưng anh Sần Quán Đường, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã bỏ dạy học về vườn "nghịch đất" trồng lan Vũ nữ. Và anh Đường có cuộc sống an nhàn và thu nhập cao nhờ loài lan có cái tên đẹp này.

Trước năm 2012, anh Sần Quán Đường là giảng viên của trường Đại học Đà Lạt. Nhưng cảm thấy công việc khá gò bó, mà tính anh lại thích thiên nhiên, vườn tược, đồng ruộng, cây cối... “Khi còn đi dạy, có lần tôi gặp giám đốc công ty Hoa Mặt Trời giới thiệu về loài hoa lan Vũ nữ, tôi về tìm hiểu rồi đâm ra mê loài hoa này từ đó. Sau đó được biết công ty có liên kết với các hộ gia đình, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ vốn trồng hoa nên tôi đánh liều, nghỉ dạy làm vườn một phen”, anh Đường chia sẻ với Danviet.

img

Anh Sần Quán Đường bên vườn lan Vũ nữ đang nở rộ cho thu hoạch của mình. Ảnh: Văn Long.

Ban đầu với diện tích 2.000m2, anh Đường chỉ mới tập tành và làm theo hướng dẫn chi tiết của công ty Hoa Mặt Trời. Sau đó thấy hoa lan Vũ nữ có chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu  và có giá bán cao nên anh đã mở rộng diện tích lên 10.000m2.

Trao đổi với Danviet, anh Đường cho biết, với việc liên kết với công ty thì đầu ra của người trồng hoa ổn định. Nếu giá thị trường có biến động thì cũng ảnh hưởng không nhiều. Khi liên kết, người trồng hoa sẽ được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Với diện tích đất có sẵn thì anh Đường chỉ mất phần chi phí làm nhà lưới và giống.

Toàn bộ khu vườn hoa lan Vũ nữ của anh Đường được áp dụng hệ thống tưới tự động. Mặt đất được phủ một lớp màng lưới để ngăn côn trùng, cỏ dại. Các chậu hoa lan Vũ nữ cũng được đưa lên cao, cách mặt đất khoảng 0,5m bằng hệ thống giá đỡ. Anh Đường cho hay, chi phí đầu tư cho 1.000m2 nhà lưới trồng lan Vũ nữ là khoảng 925 triệu đồng.

Để thu được những cành hoa lan Vũ nữ đạt chuẩn anh Sần Quán Đường phải mất khoảng 4 năm: 2 năm đầu cho việc đặt hoa giống tại Nhật Bản và chăm sóc 2 năm tiếp theo để cây ra hoa. Tất cả công việc chăm sóc cũng như chất lượng hoa lan Vũ nữ đều phải tuân thủ theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, bởi hoa xuất sang thị trường Nhật là chủ yếu.

img

Khách hàng đến tận vườn hoa lan Vũ nữ của anh Sần Quán Đường để mua lan về trưng bày trong dịp lễ Noel. Ảnh: Văn Long.

Với diện tích hiện nay, mỗi tháng anh Đường thu về 1 vạn cành hoa hoa lan Vũ nữ, giá cả biến động theo thị trường nước ngoài. Trung bình mỗi cành hoa lan Vũ nữ bán ra với giá khoảng 10.000 đồng. Như vậy mỗi tháng anh Đường thu về khoảng 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi ròng 50 triệu đồng/tháng. Trong vườn hoa lan Vũ nữ của anh Đường luôn có 6 công nhân thường xuyên lao động, mức lương 5,5 – 6 triệu đồng người/tháng, sau khi trừ chi phí anh Đường lãi khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Được biết, gia đình anh Đường là hộ đầu tiên tham gia liên minh hoa lan Vũ nữ ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ban đầu, anh Đường chủ yếu tìm đầu ra nội địa, nhưng mỗi năm số lượng hoa lan Vũ nữ tăng lên vì vậy tham gia liên minh là điều kiện cần và đủ để đưa hoa ra thị trường nước ngoài.

Cũng là người liên kết với Công ty Hoa Mặt Trời, gia đình ông Cao Xuân Hải (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) được xem là mô hình trồng hoa công nghệ cao hiện đại nhất tại địa phương. Hiện nay, vườn lan Vũ nữ của ông Hải rộng1,3ha với gần 100.000 chậu, mỗi tháng cho năng suất trung bình 20.000 cành/ha. Sau khi thu hoạch, hoa được phân loại, đóng gói và chuyển đến xưởng sơ chế của công ty ở Đức Trọng. Tại đây hoa được đóng thùng, gắn nhãn mác và mã số riêng mà công ty đã cấp cho từng hộ dân rồi chuyển đi xuất khẩu. Thị trường chủ yếu ở Nhật Bản, Australia, Đài Loan, Singapore và một số tỉnh, thành trong nước.

img

Ông Cao Xuân Hải bên mô hình trồng lan vũ nữ được xem là hiện đại nhất huyện Di Linh của mình. Ảnh: Văn Long.