Dân Việt

Hiệu quả cao khi trồng thanh long sử dụng đèn compact Rạng Đông

Phương Vy 22/12/2017 11:59 GMT+7
Tiết kiệm tới hơn 60% tiêu thụ điện năng, tương đương khoảng gần 30 triệu đồng/ha, bóng đèn compact chuyên dụng và quy trình lắp đặt, sử dụng điều khiển ra hoa cho cây thanh long đã được Bộ NNPTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật, triển khai áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Tiết kiệm gần 30 triệu đồng/ha

Đang vào đúng thời điểm ngày ngắn, đêm dài, nên muốn hỗ trợ cho thanh long ra hoa cần phải chong đèn làm tăng thêm vụ cho loài cây đặc biệt này. Do đó, nếu ai đến “thủ phủ” của thanh long Việt Nam là Bình Thuận thời điểm này sẽ thấy các cánh đồng thanh long sáng rực cả đêm.

img

img

Hàng trăm nông dân ở Bình Thuận đã chuyển sang sử dụng bóng đèn Compact tiết kiệm điện của Rạng Đông.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Lê, chủ cơ sở thanh long Lê Huân ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết gia đình ông canh tác 7ha thanh long nên trong những thời điểm này phải chong đèn liên tục. “Trước đây gia đình tôi thường sử dụng bóng đèn sợi đốt khoảng 60 – 70 W nên chi phí cho tiền điện sản xuất thanh long đã chiếm một khoản đầu tư rất lớn.Tuy nhiên, từ hơn 1 năm nay tôi đã đổi sang bóng đèn của Rạng Đông 20 W, chi phí đã giảm được gần 30 triệu đồng/1ha, trong khi hiệu quả ra hoa và đậu quả vẫn rất cao. Đặc biệt, bóng đèn của Rạng Đông rất bền, ít khi phải thay do cháy bóng”, ông Lê cho biết. Theo ông Lê, hiện gia đình ông đã sử dụng gần 10.000 bóng đèn mới thay thế loại bóng 20 W của Rạng Đông, nếu đủ tiền thay thế hết cả 7 ha thì vụ sản xuất thanh long này có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tiền điện so với các loại bóng đèn sợi đốt cũ trước đây.

Nhờ giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và tăng thu nhập cho vụ thanh long trái vụ của ông Lê, hầu hết các hộ trồng Thanh Long ở Bình Thuận khác cũng đã học theo. “Gia đình tôi do chưa đủ tiền thay thế toàn bộ bóng đèn của Rạng Đông nhưng hiện tại cũng đã thay được 50% đèn Compact, chỉ còn lại 50% đèn sợi đốt, dự kiến sẽ thay thế nốt vào năm 2018”, bà Nguyễn Thị Minh ở huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết.

Theo ông Phan Tấn Khế - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, cây thanh long đang phát triển mạnh với diện tích khoảng 30.000ha trên toàn tỉnh, sản lượng khoảng 500.000 tấn/năm. Trong đó có khoảng 70% diện tích thanh long được người dân chong đèn để ra hoa trái vụ. “Với việc đèn copact của Rạng Đông đã được Bộ NNPTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật, hiện Hội Nông dân cũng bắt đầu vận động các hộ trồng thanh long chuyển dần sang chong đèn compact để tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất”, ông Khế nói.

 “Từ khi kết thúc đề tài 06 của Bộ KHCN đế nay và được chứng nhận tiến bộ KHKT, Bộ NN&PTNT đã công bố rộng rãi, khuyến cáo nông dân nên sử dụng vàđã có hàng triệu hộ nông dân biết đế sản phẩm này của Rạng Đông. Chỉ 3 tháng gần đây, thống kê của chúng tôi cho thấy, nông dân chong đèn thanh long đã tiêu thụ gần 1 triệu bóng đèn Compact 20 W của Rạng Đông”, kỹ sư Nguyễn Văn Trinh- Trung tâm nghiên cứu R&D Rạng Đông nói. 

Hỗ trợ sản xuất mặt hàng chủ lực xuất khẩu

Trao đổi với NTNN, kỹ sư Nguyễn Văn Trinh (Trung tâm nghiên cứu R&D Rạng Đông) cho biết: Rạng Đông được Bộ NNPTNT công nhận  3 tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp gồm: Đèn chuyên dụng chiếu sáng cho thanh long; nhân giống nuôi cấy mô và cho hoa cúc.

“Cả 3 tiến bộ kỹ thuật này đều là công trình nghiên cứu khoa học được hỗ trợ của Bộ KHCN và đã có thời gian dài triển khai nghiên cứu thử nghiệm trên đồng ruộng, đạt kết quả rất tốt nên khi trình lên Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ của Bộ NN&PTNT đã được đánh giá rất cao và hầu như đạt điểm tuyệt đối. Hiện tại, sau khi được Bộ NNPTNT công nhận, các tiến bộ kỹ thuật này đã được ngành nông nghiệp giới thiệu với các địa phương, đặc biệt là đèn chuyên dụng chiếu sáng cho thanh long được người dân sử dụng rộng rãi”, ông Trinh cho biết.

Nói về các tiến bộ kỹ thuật này, ông Nguyễn Như Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm giá đầu vào, giảm lượng phân bón, thuốc BVTV, làm gia tăng giá trị sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho nông sản không chỉ ở thị trường trong nước mà còn góp phần tạo sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

“Với một số cây trồng có đặc thù như cây thanh long, việc sử dụng chiếu sáng làm tăng số vụ thanh long nên được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, từ trước tới nay, việc sử dụng chiếu sáng thường sử dụng bóng đèn tròn sợi tóc làm tiêu tốn điện và tăng chi phí. Tiến bộ kỹ thuật của Rạng Đông đèn Compact 20W được chứng minh hiệu quả tương đương bóng 60W. Việc sử dụng bóng đèn Compact 20 W của Rạng Đông không chỉ giúp cho người trồng thanh long tiết kiệm được chi phí sản xuất mà còn góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, nhất là chong đèn thanh long lại vào mùa khô, thời điểm nguồn điện luôn gặp căng thẳng”, ông Cường nói. Theo ông Cường, đây là tiến bộ kỹ thuật được Cục Trồng trọt công nhận, tiết kiệm điện năng trung bình 50%, từ đó chi phí cho sản xuất điện từ chong đèn thanh long của người dân giảm đáng kể.