Hai trong 5 tàu bị Pháp giữ tại cảng Cherbourg. Ảnh: Cimsec.
Đầu thập niên 1960, Israel quyết định mua 12 tàu tuần tra lớp Sa'ar 3 không trang bị vũ khí từ Pháp với ý định hoán cải chúng thành tàu tên lửa, giúp hiện đại hóa hải quân và bảo đảm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao 7 chiếc, Israel bị Pháp cấm vận vũ khí toàn diện do trận tập kích sân bay Beirut trong chiến dịch chống lại Tổ chức Giải phóng Palestine. 5 tàu lớp Sa'ar 3 còn lại bị Pháp giữ lại, không bàn giao tiếp cho Israel.
Việc các đối thủ Ai Cập và Syria tiếp nhận tàu tên lửa Liên Xô, trong khi hạm đội lạc hậu của Israel chịu tổn thất trong Chiến tranh Tiêu hao (1967-1970) khiến lãnh đạo nước này quyết định tiến hành Chiến dịch Noa nhằm đánh cắp 5 tàu Sa'ar 3 còn lại từ tay người Pháp, theo Jewish Library.
Cha đẻ của Chiến dịch Noa là chuẩn đô đốc Mordechai "Mokka" Limon, cựu tư lệnh hải quân Israel và tùy viên quân sự Israel tại Paris. Ông có nhiều mối quan hệ với chính phủ Pháp và châu Âu thông qua gia tộc Rothschild.
Nhờ mối quan hệ của Limon, Israel lập công ty bình phong mang tên Starboat, đăng ký ở Panama nhưng lấy vỏ bọc là một hãng khoan dầu Na Uy. Nhân viên công ty đều là điệp viên Mossad, cơ quan tình báo quốc gia Israel. Đứng đầu Starboat là Benyamin Vered, một trong những chỉ huy cấp cao nhất của Mossad.
Starboat đàm phán với phía Pháp, tỏ ý muốn mua lại 5 chiến hạm Sa'ar 3 để biến chúng thành các tàu khảo sát dầu, tuyên bố thông số kỹ thuật của chúng đáp ứng yêu cầu của họ. Để giành lòng tin từ phía Pháp, Limon và đại diện Starboat giả vờ tranh cãi dữ dội trong các cuộc đàm phán.
Hai bên đồng ý với điều khoản là 5 tàu sẽ được chuyển giao tới cảng của Starboat và do thủy thủ hải quân Israel điều khiển. Hợp đồng mua bán giữa chính phủ Israel và công ty Starboat được thông qua với sự chấp thuận của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michel Debré.
Bước tiếp theo của chiến dịch là tạo thói quen hàng ngày nhằm đánh lừa người dân Pháp ở Cherbourg, nơi neo đậu của 5 chiếc Sa'ar 3. Thủy thủ Israel thường xuyên điều khiển những chiếc tàu này tiến hành các chuyến ra khơi ngắn ngày hướng tới Đại Tây Dương.
Thủy thủ đoàn được bí mật tăng cường thêm 80 sĩ quan từ Israel. Những người này phải cải trang thành dân thường, chia làm hai nhóm đóng giả du khách tới các điểm khác nhau trên khắp châu Âu trước khi đến Cherbourg. Hai nhóm phải liên tục đổi chỗ ở, không bao giờ nghỉ tại một khách sạn quá một đêm, cũng như mang theo hộ chiếu Israel để tránh bị kết tội mang giấy tờ giả nếu bị bắt. Ngày 23.12, 80 sĩ quan Israel đến Cherbourg và phân tán quanh thành phố.
Lộ trình từ Pháp về Israel của nhóm tàu Sa'ar 3. Đồ họa: Wikipedia.
Giám đốc Mossad Meir Amit đánh giá chiến dịch có độ rủi ro rất cao. "Chỉ cần một cảnh sát Pháp nghi ngờ về sự xuất hiện của quá nhiều người Do Thái tại Cherbourg trong dịp Giáng sinh cũng đủ khiến chiến dịch đổ vỡ hoàn toàn", ông Amit nhớ lại.
Trước khi rời đi, các tàu cần lượng lớn dầu diesel và lương thực cho hành trình 8 ngày. Thủy thủ đoàn phải tích trữ nhiên liệu và nhu yếu phẩm một cách chậm chạp với số lượng nhỏ để tránh gây nghi ngờ. Đến ngày 24.12, cả 5 tàu đều có đủ nhiên liệu và lương thực cho hành trình về Israel.
Việc động cơ tàu chiến bất ngờ khởi động trong đêm sẽ đánh động nhà chức trách Pháp. Vì vậy, đại tá Hadar Kimhi, chỉ huy chiến dịch, ra lệnh cho thủy thủ Israel cho nổ động cơ tàu hàng đêm để cư dân Cherbourg làm quen với âm thanh này. Phía Israel còn bố trí thêm tàu tiếp liệu cho biên đội Sa'ar 3 ở Gibraltar và vịnh Biscay.
Đào thoát
Đêm 24.12.1969, thủy thủ đoàn tiếp tục bảo dưỡng tàu, trong khi 80 sĩ quan tăng cường ẩn náu dưới hầm tàu. Lo ngại các tàu có thể bị chìm khi băng qua Vịnh Biscay trong thời tiết khắc nghiệt, hải quân Israel bố trí một chuyên gia khí tượng để theo dõi mọi bản tin thời tiết của Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
Đội tàu dự kiến khởi hành lúc 20h30, nhưng thời tiết xấu khiến thời điểm xuất phát liên tục bị trì hoãn. Dù nhận lệnh từ Israel yêu cầu ra khơi bất chấp thời tiết, đại tá Kimhi quyết định tiếp tục chờ đợi. Đến nửa đêm, nhà khí tượng nghe được bản tin thời tiết của Anh, cho biết cơn bão sẽ suy yếu trong vòng hai giờ. Đến 2h30 sáng 25.12, nhóm tàu rời Cherbourg và hướng ra biển.
Nhà chức trách Pháp không biết sự việc, cho đến khi một phóng viên Anh ghé thăm cảng sau đó 12 tiếng và phát hiện toàn bộ 5 tàu chiến Sa'ar 3 đã biến mất. Nhóm tàu Israel băng qua vịnh Biscay trước khi đổi hướng sang phía nam vào Địa Trung Hải, hội quân với đội tàu tiếp liệu.
Khi các tàu đi qua eo biển Gilbraltar vào Địa Trung Hải, trạm giám sát của Anh phát tín hiệu yêu cầu chúng xác nhận thân phận nhưng không được hồi âm. Trực thăng Anh phát hiện nhóm tàu không mang cờ hay số hiệu nhận dạng, nhưng xác định được danh tính là đội tàu Israel. Trạm giám sát Anh phát tín hiệu chúc thượng lộ bình an, trước khi chiến hạm Israel tiếp tục hành trình.
Một tàu Sa'ar 3 sau khi được Israel hoán cải. Ảnh: Wikipedia.
Đội tàu bị truyền thông quốc tế phát hiện khi di chuyển dọc bờ biển Bắc Phi để về nước. Khi tới ngoài khơi đảo Crete, các biên đội tiêm kích F-4 của Israel bắt đầu xuất hiện ở độ cao nhỏ để hộ tống 5 tàu chiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Michel Debré ra lệnh không kích đánh chìm đội tàu bị đánh cắp, nhưng tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp từ chối thực thi mệnh lệnh, Thủ tướng Jacques Chaban Delmas cũng phản đối quyết định tấn công do lo ngại căng thẳng leo thang. Dù rất tức giận, chính phủ Pháp hiểu rằng họ không thể can thiệp do các tàu này đã ra vùng biển quốc tế.
Nhóm tàu chiến cập cảng Haifa vào ngày 31.12, hoàn tất hành trình dài 5.825 km. Sau khi sở hữu đủ 12 khung tàu từ Pháp, Israel bắt đầu hoán cải chúng thành tàu tên lửa, phát triển học thuyết tác chiến biển hoàn toàn mới, giúp đánh chìm nhiều tàu chiến Ai Cập và Syria mà không để mất tàu nào trong Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.