Dân Việt

TP.HCM: Lằng nhằng thủ tục, 10 năm chưa xây được nhà máy thịt sạch

Bảo Anh 23/12/2017 13:03 GMT+7
Muốn có thịt đạt tiêu chuẩn, phải có nhà máy giết mổ hiện đại. Thay vì đưa các nhà máy vào hoạt động cuối năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM vừa dời kế hoạch đến tháng 6 năm sau. Nhưng nhiều doanh nghiệp khẳng định, với thủ tục đầu tư rườm rà như hiện nay, chưa biết đến bao giờ…

10 năm chờ cấp phép!

Đã 15 ngày nộp hồ sơ làm thủ tục sang tên khu đất gần 3ha xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp với công suất 3.000 con/ngày tại Củ Chi, mà công ty dịch vụ An Hạ vẫn chưa nhận được kết quả...

img

Theo sở NN&PTNT TP.HCM, tổng thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý cấp phép xây dựng nhà máy khoảng 254 ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật).

Trong báo cáo tiến độ xây nhà máy giết mổ công nghiệp vừa gửi UBNDTP.HCM mới đây, sở NN&PTNT TP.HCM cũng nêu thực trạng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với quá nhiều thủ tục hành chính chồng chéo, rườm rà. Doanh nghiệp đang phải mất quá nhiều thời gian làm theo yêu cầu của các sở Tài nguyên và môi trường, sở Kế hoạch và đầu tư, Quy hoạch – kiến trúc, Phòng cháy chữa cháy, Giao thông... Theo sở NN&PTNT TP.HCM, tổng thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý cấp phép xây dựng nhà máy khoảng 254 ngày (trừ thứ bảy, chủ nhật).

Nhưng trên thực tế, có nhà máy mất tới… mười năm vẫn chưa được cấp phép! Ông Bạch Đăng Quang, phó giám đốc HTX Tân Hiệp, chủ đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp, cho biết: “Mười năm ròng chúng tôi chạy thủ tục đầu tư, phải làm lại đánh giá tác động môi trường hai lần. Nay, dù được lãnh đạo TP.HCM cho san lấp mặt bằng, làm đường tạm để vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhà máy, nhưng vẫn còn rủi ro vì chưa được TP.HCM duyệt kinh phí làm đường chính”.

Điều đáng nói, với một số dự án nằm trên địa bàn huyện Củ Chi, chỉ cần xin phép là được UBND huyện chấp thuận. Có dự án, trong khi hoàn tất thủ tục để xin giấy phép xây dựng, ngoài việc được san lấp mặt bằng, còn được cho xây tường rào, khu xử lý nước thải… Tại sao Hóc Môn lại không thoáng như Củ Chi?

Lằng nhằng thủ tục

Liên quan đến thủ tục đầu tư, công ty thực phẩm Lộc An cho biết, theo quy định, thủ tục cấp giấp phép quy hoạch và quyết định quy hoạch tỷ lệ 1/500 do sở Quy hoạch – kiến trúc cấp tối đa là 60 ngày. Nhưng thực tế, ngày 18.1.2017, công ty được sở cấp phép quy hoạch và đúng tám tháng sau đó, tức ngày 30.8 mới được phê duyệt đồ án tỷ lệ 1/500. Tương tự, công ty An Hạ đã nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư từ ngày 13.2.2017, nhưng bị sở Kế hoạch và đầu tư “ngâm” đến ngày 18.7.2017 mới trình chỉ để một tuần sau đó đã được UBND TP.HCM ký. Theo luật định, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của một dự án giết mổ chỉ tối đa có 45 ngày, tuy nhiên, sở Kế hoạch và đầu tư phải mất hơn năm tháng “ngâm cứu”.

Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, các dự án giết mổ mới được phê duyệt năm 2016 còn phát sinh thêm thủ tục ký quỹ đầu tư. Giám đốc công ty An Hạ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, dù kinh phí xây nhà máy đang eo hẹp, nhưng vẫn phải bỏ ra hơn 5 tỉ đồng để thực hiện quy định này. Chưa hết, để có được tờ giấy ký quỹ do sở Kế hoạch và đầu tư cấp, chờ giấy xác nhận của ngân hàng (đã nộp tiền) cũng mất thời gian cả tháng trời!

“Đi đến đâu cũng gặp thủ tục rườm rà, mất thời gian rất lâu. Mặc dù, quý 1/2018 chúng tôi đã nhập máy móc về, hiện nay đã san lấp, xây tường rào, xây hệ thống xử lý nước thải. Chỉ cần lãnh đạo TP.HCM cho xây trước rồi từ từ hoàn thiện thủ tục giấy tờ, trong nửa đầu năm sau sẽ làm xong nhà máy”, bà Thắm cho biết.

Tuy nhiên, qua báo cáo của sở NN&PTNT TP.HCM, cho đến gần hết năm 2017, nhà máy của An Hạ vẫn còn chưa làm xong hồ sơ nghĩa vụ thuế để sở Tài nguyên cấp sổ đỏ; chưa làm xong đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và chưa có giấy phép xây dựng. Với tiến độ giải quyết hồ sơ theo kiểu “rùa bò” hiện nay, dù sở NN&PTNT TP.HCM muốn các nhà máy hoạt động vào tháng 6.2018 (chậm sáu tháng so với kế hoạch), chắc chắn không thực hiện được. Nhiều doanh nghiệp khẳng định, nếu hồ sơ hoàn tất trong quý 1/2018, việc xây dựng, lắp ráp máy móc thiết bị cũng mất ít nhất sáu tháng nữa, nhanh nhất cũng phải cuối năm 2018 mới xong nhà máy. Lúc đó, thị trường mới có thịt giết mổ đạt tiêu chuẩn.