Dân Việt

Cách nào tránh bị "khủng bố" bởi "cuộc gọi rác"?

Minh Phong 24/12/2017 06:10 GMT+7
Sau thời kỳ nở rộ của tin nhắn rác, giờ đây người dân lại bị làm phiền bởi những cuộc gọi mời chào mua bất động sản, mời làm thẻ tín dụng hay đề nghị cho vay tiền, mua bảo hiểm, tham dự hội thảo về du lịch...

Từ bị làm phiền đến đe nẹt

Hình thức “telesales” hay “tele marketing” là bán hàng qua điện thoại được áp dụng khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam cách thức này mới áp dụng phổ biến thời gian gần đây và đang gây không ít phiền toái đáng kể cho người nhận điện thoại.

img

Không ít khách hàng, người tiêu dùng đang khốn khổ vì sự phiền phức từ nhân viên telesale.  Ảnh: shutterstock

Người tiêu dùng bị cá nhân, doanh nghiệp gọi điện quấy rối nhiều lần qua điện thoại có thể tố cáo vi phạm tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt cá nhân, doanh nghiệp vi phạm theo như quy định tại Điều 125 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

Anh Nguyễn Phước Long (quận 12, TP.HCM) cho biết: “Tôi rất ám ảnh với cách thức mời chào sản phẩm như thế này. Nhiều lúc muốn từ chối lịch sự nhưng cũng không thể làm được. Bởi cùng một dịch vụ, cùng một công ty bảo hiểm mình đã trả lời lần trước là không có nhu cầu thì đến hôm sau, hay tuần sau họ lại gọi lại mời chào. Cứ như thể là nhân viên của hãng đó truyền tay nhau bảng số điện thoại của khách hàng rồi theo thứ tự mà bấm”.

Còn anh Nguyễn Trọng Hùng (Hà Nội) dù là một doanh nhân nhưng cũng hết sức khó chịu với hình thức mời chào bán hàng bất kể giờ giấc, nội dung của các nhân viên telesales. Anh Hùng cho hay: “Bản thân doanh nghiệp chúng tôi chưa bao giờ đi phát tờ rơi, nhắn tin hay gọi điện làm phiền khách hàng. Mình phải biết ai là người thực sự có nhu cầu để liên hệ làm việc.

Nhưng bản thân tôi rất hay nhận được những cú điện thoại mời chào dịch vụ của doanh nghiệp khác. Việc phải thường xuyên trả lời từ chối điện thoại, nhất là những lúc đang họp hay đang lái xe thực sự gây ức chế.

Thậm chí, tôi đã yêu cầu một nhân viên bán bảo hiểm qua điện thoại báo lại bộ phận có trách nhiệm bỏ tên tôi ra khỏi danh sách của họ, nhưng vẫn không xong. Vài ngày sau lại có cuộc gọi mời mua bảo hiểm từ chính doanh nghiệp đó”.

Hình thức bị ép buộc nhận tin nhắn quảng cáo làm phiền người dân đang dần bị loại bỏ thì nay việc gọi điện mời chào sản phẩm lại “lên ngôi”. Trước đây, các doanh nghiệp thường sử dụng sim 11 số để gọi thì nay đã dùng số máy bàn hay thậm chí là dùng sim 10 số có đuôi đẹp để tăng khả năng nhận cuộc gọi từ người nghe.

Anh Nguyễn Khắc Thảo từng có thời gian làm việc tại TP.HCM chia sẻ, cho đến gần đây vẫn nhận được cuộc gọi mời đến dự hội thảo của một đơn vị bảo hiểm của Nhật Bản tại TP.HCM dù anh đã ra Hà Nội vài năm nay. “Tôi không hiểu họ lấy thông tin số điện thoại của tôi ở đâu, nhưng lại biết tôi đã làm việc ở TP.HCM để mời chào. Dù đã từ chối một lần, nhưng bẵng một thời gian nhân viên khác từ công ty đó lại tiếp tục mời chào. Thật sự tôi không còn biết phải từ chối hay làm cách nào để thoát khỏi việc nhận các cuộc gọi làm phiền như vậy” – anh Thảo cho hay.

Chưa hết, các cuộc điện thoại làm phiền mua hàng đã gây ức chế như trên, những cú điện thoại “đòi nợ” còn khiến người nhận phát khùng hơn nữa. Anh Đàm Minh Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Thời gian qua, tôi thường xuyên bị quấy rầy thậm chí là có lời lẽ đe dọa bởi những cuộc điện thoại đòi nợ từ một đơn vị cho vay tín chấp.

Người ta nói là người vay tiền đã ghi số điện thoại của tôi trong hợp đồng, nên khi không liên lạc được với người nợ tiền, họ chuyển sang gọi cho tôi để đòi nợ! Họ gọi bất kể ngày đêm, chặn số này lại dùng số khác gọi bất chấp việc tôi đã giải thích mình không phải là người vay tiền, không đứng tên hợp đồng tại sao lại bị đòi nợ?”.

Nhiều cách để thoát khỏi các cuộc điện thoại “telesales” đã được độc giả chia sẻ. Cách được coi là có hiệu quả nhất là dùng sự im lặng để đáp trả: tắt máy không nói gì hoặc để máy vẫn không nói gì.

Xâm nhập bí mật đời tư?

img

"Trong trường hợp các tổ chức, cơ quan để lộ bí mật thông tin của khách, dù là vô tình hay hữu ý tùy mức độ vi phạm  sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại khi gây ra tổn hại cho cá nhân bị lộ thông tin, thậm chí tùy mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái

Luật sư Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định tình trạng kể trên đang thực sự làm phiền người nghe điện thoại. “Thời gian gần đây, tình trạng các cuộc gọi mời chào dự án, sản phẩm... đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là các cuộc gọi mời mua bất động sản, bảo hiểm.

Các cuộc gọi rác cũng không trừ một ai, từ người lao động, nhân viên văn phòng cho đến giám đốc, lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Nhiều người phản ánh có ngày nhận tới cả chục cuộc gọi mời mua nhà đất, bảo hiểm của cùng một dự án, cùng một công ty. Thế nhưng, việc đưa ra quy định chặn làm phiền này rất khó thực hiện, chỉ có cách người bị làm phiền thực hiện trên chính điện thoại di động của mình” – luật sư Thái cho hay.

Theo luật sư Hồng Thái, để các cơ quan chức năng có thể can thiệp xử lý, cần phải nhìn vào gốc của vấn đề. Đó là tại sao các doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm hay cho vay tài chính lại có được danh sách khách hàng với tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp như vậy? Trong Bộ luật Dân sự thì quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Nhưng trên thực tế, tình trạng mua bán thông tin cá nhân, các cuộc gọi làm phiền vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Giải pháp thứ nhất là người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế cung cấp các thông tin cá nhân, có thể cài đặt chế độ tiếp nhận cuộc gọi hay sử dụng các phần mềm sàng lọc cuộc gọi đến. Tiếp đến, là những tổ chức, cá nhân khi thu thập những thông tin khách hàng đều phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin đó.

Trong khi đó, một giám đốc doanh nghiệp tại Hà Nội cho rằng với dịch vụ telesales, người cung cấp không nên gọi vào những khung giờ nhạy cảm, doanh nghiệp cũng cần đào tạo nhân viên kỹ lưỡng từ giọng nói đến nắm bắt tâm lý người nghe. Bởi nếu cuộc gọi  bị người nghe đánh giá là làm phiền hay “cuộc gọi rác” thì tự bản thân doanh nghiệp đánh vứt đi uy tín và hình ảnh kinh doanh của mình.