Dân Việt

Dự báo “giật mình” về số phận của Bitcoin

Nguyên Phương 23/12/2017 08:30 GMT+7
“Loại trừ các cơ sở và tiền tệ khác, trong ngắn hạn rất khó để đoán được số phận của Bitcoin. Bitcoin có thể lên tới 1 triệu USD, nhưng cũng có thể nhanh chóng biến mất. Và sau 5 năm, tôi nghĩ giá trị của Bitcoin sẽ về dần gần với số 0”, Luật sư Trương Thanh Đức dự báo.

img

Ông Nguyễn Việt Bách, đại diện Bitcoin Vietnam cho rằng trong vòng 1 - 2 năm tới, giá bitcoin có thể tăng lên 100.000 USD

Bitcoin có thể lên 1 triệu USD, cũng có thể về 0

Là một trong những chủ đề được giới tài chính quan tâm nhất trong năm 2017, Bitcoin và cuộc chơi tiền ảo, tiền kỹ thuật số đã thực sự tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu, thu hút hàng chục nghìn người tham gia mới mỗi ngày và đưa quy mô thị trường lên hàng trăm tỷ USD. Rất nhiều chuyên gia và cả những người trong cuộc đã đưa ra dự báo về số phận của đồng tiền điện tử này.

Theo ông Nguyễn Việt Bách, đại diện Bitcoin Vietnam, trong vòng 1 - 2 năm nữa giá bitcoin vẫn có thể tăng, thậm chí lên đến 50.000 - 100.000 USD.

Ông Bách nói: “Về đường dài, tôi không nghĩ xu hướng tăng sẽ tiếp diễn bởi nhiều vấn đề về công nghệ của Bitcoin đang xuất hiện. Và có nhiều đồng tiền mới xuất hiện đang cạnh tranh với Bitcoin, chưa kể Bitcoin cũng đang phân nhánh. Tôi nghĩ 5 năm nữa giá Bitcoin không thể tiếp tục tăng. Còn rớt giá xuống mức nào thì tôi cũng không dám dự đoán”.

Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Basico lại đưa ra một dự báo khá ngắn gọn, nhưng đầy tính âu lo với các nhàu đầu tư Bitcoin: “Loại trừ các cơ sở và tiền tệ khác, trong ngắn hạn rất khó để đoán được số phận của Bitcoin. Bitcoin có thể lên tới 1 triệu USD, nhưng cũng có thể nhanh chóng biến mất. Và sau 5 năm, tôi nghĩ giá trị của Bitcoin sẽ dần gần về với số 0”.

Giá Bitcoin phụ thuộc vào bên thắng cuộc

Dưới góc nhìn của mình, ông Trần Hữu Đức - Thành viên Ban quản trị CLB Fintech Vietnam cho rằng, thị trường Bitcoin đang bị thao túng nhiều hơn. Theo ông Đức, các năm trước, Bitcoin mới phổ biến trong những người chơi chuyên bán và bán chuyên. Song từ cuối năm 2017 bắt đầu có sự tham gia của các tổ chức tài chính uy tín.

img

Ông Trần Hữu Đức - Thành viên Ban quản trị CLB Fintech Vietnam cho rằng, thị trường Bitcoin đang bị thao túng 

“Hai nguồn lực chính quyết định tương lai đồng bitcoin đó là cộng đồng những người ủng hộ, sử dụng bitcoin, tiếp tục tạo sản phẩm mới và những người phản đối trong đó có Chính phủ một số nước. Câu chuyện là 2 bên chiến đấu thế nào về tương lai bitcoin. Giá có thể về 0 cũng có thể tăng mạnh phụ thuộc bên nào thắng”, ông Đức nói.

img

Ông Nguyễn Duy Hưng vẫn chưa đưa ra dự báo cụ thể về số phận của Bitcoin

Còn ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) lại kỳ vọng, nếu bong bóng Bitcoin vỡ sẽ để lại một hạ tầng tốt.

Ông Hưng cho rằng Bitcoin sẽ lên giá rất nhiều nhưng giá trị này không có ý nghĩa. Phải có 1 Ngân hàng Trung ương đứng ra mua thì giá trị của Bitcoin mới tăng nhưng giá trị ở đây là của công nghệ chứ không phải qua giao dịch mua bán.

Ông Hưng chia sẻ: “Bong bóng bitcoin vỡ vẫn có thể để lại hạ tầng công nghệ tốt. Nhưng cần nhìn nhận đây chỉ là một sản phẩm sử dụng công nghệ blockchain. Nó sẽ lên giá rất nhiều nhưng giá này không có nghĩa. Cần nhìn nhận blockchain hay tất cả hạ tầng công nghệ là một công ty. Giao dịch mua bán sẽ cần phải có 1 ngân hàng trung ương mua. Giá trị của bitcoin sẽ tăng. Đấy sẽ là giá trị dựa trên công nghệ mà không phải dựa vào giao dịch cung – cầu như hiện tại.

Một vấn đề khác là sẽ rất khó để ai đó dùng công nghệ này vì không có người để đàm phán. Ai là người quyết định chuyển toàn bộ bitcoin cho một Chính phủ để tiếp tục dùng trong tương lai? Vẫn có trường hợp các Chính phủ sử dụng đồng tiền để thanh toán nhưng khi đã coi là phương tiện thanh toán thì bitcoin không thể biến động mạnh. Ví dụ như dịch vụ trả bằng bitcoin nhưng nếu phương tiện thanh toán này tăng giá thì trả bằng đồng nội tệ chắc chắn sẽ có lợi hơn.

Cần xác định cách nhìn nhận nó là hàng hóa hay công cụ. Nếu coi là hàng hóa nó sẽ không lên mãi được. Còn nếu coi là công cụ thì cần có bên đàm phán để chuyển đổi công cụ vào những việc hữu ích”.