Ông Nông Văn Thắng (62 tuổi), chủ vườn sưa hơn 2.000 cây ở Tuyên Quang.
Đi tìm “kho báu” ngàn tỷ
Nằm tại thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, vườn sưa đỏ với hơn 2.000 cây đang là “kho báu” ngàn tỷ của ông Nông Văn Thắng (SN 1955). Những cây lâu năm nhất có tuổi đời hơn 10 năm, cây bé cũng không dưới 5 năm.
Chúng tôi tìm về nhà ông Thắng vào những ngày cuối năm 2017 để được tận mắt chứng kiến “kho báu” mà ông đang sở hữu.
Từ đường quốc lộ, đến cổng xã Đức Ninh, chúng tôi hỏi thăm vào nhà ông Thắng trồng sưa. Người dân chỉ, cứ đi sâu vào trong thôn, thấy cái vườn sưa bạt ngàn thì đấy là nhà ông Thắng.
Vườn sưa của gia đình ông Thắng nằm bên dưới thung lũng được bao quanh bởi những ngọn núi cao.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con đường nhỏ, quanh co và thưa thớt nhà dân. Càng vào sâu nhà dân càng thưa thớt hơn khiến chúng tôi ngỡ mình đi lạc đường.
Đi thêm một quãng, chúng tôi đang loay hoay tìm người để hỏi thăm thì bất ngờ đập vào mắt chúng tôi là một rừng cây thân màu trắng, trồng chi chít. Vì đã từng nhìn thấy sưa nên nhìn lá cây, tôi biết đã đến vườn sưa của ông Thắng.
Ngôi nhà của ông Thắng nằm lọt thỏm giữa những lùm cây. Vườn sưa rộng bạt ngàn, kéo dài hàng cây số lên cả những quả đồi phía sau nhà. Xa xa là những dãy núi cao sừng sững.
Chúng tôi cất tiếng gọi, một người đàn ông mặc bộ quần áo màu nâu xám, chân đất đi từ phía sau nhà lên, đó là ông Thắng. Người đàn ông ngoại lục tuần dáng người nhỏ, khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn, da sạm nắng… mời chúng tôi vào nhà.
Ngôi nhà ông Thắng 3 tầng nhưng xây rất khiêm tốn, không giống với tưởng tượng “nhà đại gia” của chúng tôi. Nó có vẻ đã cũ kĩ. Phía trước nhà là một khoảng sân nhỏ bằng bê tông, xung quanh nhà là vườn cây ăn quả, sưa um tùm…
“Muốn mua ô tô lúc nào cũng được”
Dẫn chúng tôi đi quanh vườn, ông Thắng bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về “kho báu” ngàn tỷ.
Năm 2006, gỗ sưa là hàng hot trên thị trường và được thương lái tìm mua với giá rất cao. Khi ấy, ông Thắng đang là Chi hội trưởng Nông dân tập thể của thôn Đồng Danh.
Những cây sưa đã có tuổi đời hơn 10 năm, còn những cây mới trồng cũng không dưới 5 năm.
Một lần tình cờ, ông đọc trên báo thấy ở Vĩnh Phúc có mô hình trồng sưa rất thành công. Ông cùng một vài người trong chi hội thuê ô tô lặn lội lên tận Vĩnh Phúc tìm nguồn giống.
Sau khi học hỏi kinh nghiệm, ông mua hàng trăm cây giống về trồng ở vườn nhà. Nhận thấy giá trị kinh tế của sưa, cây lại rất hợp đất, hợp khí hậu ở Đồng Danh, ông Thắng mua thêm cây về trồng.
“Hiện số lượng sưa trong vườn nhà tôi vào khoảng hơn 2.000 cây. Những cây lâu năm thì hơn 10 năm, những cây mới thì cũng trồng được 5-7 năm. Với giá trị gỗ sưa trên thị trường là hơn 2 triệu đồng/kg lõi, tôi ước tính giá trị vườn sưa nhà tôi phải lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Để lo công việc gia đình, tôi cũng đã bán vài cây và đã thu được tiền tỷ. Đối với tôi, chuyện mua ô tô bây giờ rất dễ, muốn mua lúc nào cũng được, chỉ cần bán 1-2 cây là có thể mua được xe xịn”, ông Thắng chia sẻ.
Đây là một trong những cây sưa giá trị nhất trong vườn nhà ông Thắng.
Chúng tôi lo lắng, một “kho báu” bạt ngàn, nằm lộ thiên, gia đình ông Thắng lại chỉ có 2 vợ chồng (2 con gái của ông đã lấy chồng) thì họ bảo vệ bằng cách nào? Ông Thắng cười xòa: “Ở đây là đường độc đạo, xung quanh nhà tôi cũng toàn anh em, họ hàng nên hầu như chưa xảy ra trộm cắp bao giờ”.
Mặc dù là “đại gia” gỗ sưa nhưng ông Thắng vẫn trồng thêm nhiều loài cây ăn quả khác trong vườn như bưởi (16 loại), chanh, mít... và nuôi gà, thả cá… Mỗi năm, ông thu hơn 300 triệu đồng từ những loại cây này.
Không chỉ làm giàu cho mình, ông Thắng còn giúp đỡ và mách kế cho nhiều gia đình trong thôn trồng sưa, trồng bưởi. Ai cần hỗ trợ về kỹ thuật trồng, nguồn giống, ông đều rất sẵn sàng cung cấp.
Hai cây sưa được định giá 150 tỷ đồng được dùng thép phi 20 -25 hàn xung quanh bên ngoài để chống trộm.