Dân Việt

Hà Nội: Mới chỉ cung ứng đủ nhu cầu về thịt bò, thịt gà cho dịp Tết

San Nguyễn 25/12/2017 13:20 GMT+7
Tập trung vào việc vừa phát huy các chuỗi sản xuất an toàn vừa phát triển sản xuất tại các hộ nhỏ lẻ ở các địa phương, trong đó tập trung quản lý chợ đầu mối, chợ truyền thống, truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm.

Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập đến trong hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp, phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP.Hà Nội và hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp năm 2017 do UBND TP.Hà Nội và Bộ NNPTNT phối hợp tổ chức. 

Đáp ứng đủ nhu cầu về thịt 

img

Truyền thông tốt tạo nên hiệu quả cao trong cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Ảnh: S.N

"Ngoài việc thực hiện liên kết chuỗi với các tỉnh, thành để cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội, cần làm mạnh hơn khâu quảng bá sản phẩm. Ngoài liên kết "4 nhà" cần liên kết nhiều hơn với truyền thông để đẩy mạnh khâu giới thiệu, tuyên truyền sản phẩm”.

Ông Nguyễn Văn Sửu -
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, hiện khả năng sản xuất đáp ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP.Hà Nội trong một tháng tết, ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà Hà Nội sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Còn các mặt hàng khác như: Gạo mới đáp ứng đủ 35%, thịt bò đáp ứng khoảng 15%, thủy hải sản đáp ứng 5%... Điều đó cho thấy, nhu cầu về lượng lương thực, thực phẩm của thành phố là rất lớn. Tuy nhiên, với sản lượng hiện có, sản xuất nông nghiệp Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu, rất cần nguồn cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch thông tin và truy xuất rõ nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô và du khách.

Theo ông Tường, trong thời gian thực hiện chương trình liên kết chuỗi rau thịt an toàn cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. TP.Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó các chuỗi có nguồn gốc động vật đã thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi, khoảng 100 doanh nghiệp/cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn, cung cấp thuốc thú y, cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 1 nhãn hiệu được chứng nhận. Các tỉnh, thành phố cũng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm an toàn thực phẩm để cung cấp trên địa bàn cũng như thị trường cho Hà Nội. Đến nay đã kết nối được trên 50 dòng sản phẩm mới từ 5 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Ninh Bình, Nam Định, Đăk Lăk. Từ đó tăng cường các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô. Đặc biệt, để bảo đảm trong việc quản lý, an toàn thực phẩm theo chuỗi cung ứng sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội, Sở NNPTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành thuộc Sở phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên ngành 20 tỉnh, thành nhằm nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn TP.Hà Nội theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

Các chuỗi liên kết sản xuất vẫn còn ít

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác phối hợp, phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho TP.Hà Nội và hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp vẫn còn những hạn chế. Một số Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố chưa xây dựng được kế hoạch chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực hàng năm. Chưa chủ động cung cấp thông tin nông sản, sản lượng để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp của Hà Nội xây dựng kế hoạch kinh doanh trong năm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các tỉnh, thành còn chậm, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số địa phương chưa được chú trọng. Công tác phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn còn nhiều bất cập.

Bà Vũ Thị Hà - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại cần có thêm các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - VietGAP, GlobalGAP; tăng cường kết nối các doanh nghiệp với các địa phương, đơn vị cơ sở sản xuất và nông dân trong chuỗi sản xuất an toàn.

Với cương vị là Trưởng ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đánh giá, các chuỗi sản xuất vẫn còn ít, sản lượng rau thịt cung cấp vào hệ thống các siêu thị, hệ thống bán lẻ vẫn chưa nhiều. Đặc biệt là vấn đề giám sát an toàn thực phẩm, truy xuất rõ nguồn gốc tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống còn rất hạn chế.

“Trong năm 2018, các tỉnh, thành phố cần nhân rộng những kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời triển khai nghị quyết của Quốc hội về vấn đề an toàn thực phẩm. Tập trung vào việc vừa phát huy các chuỗi sản xuất an toàn để phát triển vừa phát triển sản xuất tại các hộ nhỏ lẻ ở các địa phương. Trong đó tập trung quản lý chợ đầu mối, chợ truyền thống để người tiêu dùng yên tâm. Đặc biệt cần chuẩn bị tốt cho dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán” – ông Tám cho hay.