Dân Việt

Lâm Đồng: Doanh nghiệp FDI lỗ ảo

02/11/2011 19:14 GMT+7
(Dân Việt) - Hàng chục năm qua tại Lâm Đồng không hề có bất kỳ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nào báo cáo kinh doanh có lãi. Mới đây, với sự “ra tay” của ngành thuế, sự thật của vấn đề đã được phơi bày.

Lỗ ảo

Mặc dầu vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và tăng cường nguồn vốn đầu tư nhưng báo cáo quyết toán năm 2009 của 104 doanh nghiệp FDI ở Lâm Đồng đều thể hiện việc làm ăn “thua lỗ” khiến cho ngành thuế Lâm Đồng nghi ngờ, nên đã thành lập đoàn kiểm tra để vào cuộc kiểm tra nhằm tìm ra nguyên nhân của việc kinh doanh “lỗ lã” này.

img
Kêu lỗ nhưng các doanh nghiệp FDI ở Lâm Đồng vẫn mở rộng quy mô vùng nguyên liệu.

Điều lạ lùng hơn, những doanh nghiệp FDI có quy mô kinh doanh càng lớn thì khoản lỗ cũng càng lớn: Công ty TNHH trà King Lộ báo cáo lỗ 47,7 tỷ đồng (vốn pháp định 32 tỷ đồng), Công ty TNHH Haiyih lỗ 47,6 tỷ đồng (vốn pháp định 11,2 tỷ đồng), Công ty TNHH TFB Việt Nam lỗ gần 40 tỷ đồng (vốn pháp định 32 tỷ đồng); hoặc ít hơn như Công ty TNHH King Wan Chen có vốn pháp định 16 tỷ đồng lỗ 25,2 tỷ đồng, Công ty TNHH Tứ Hải có vốn pháp định 2,4 tỷ đồng lỗ 2,2 tỷ đồng…

Nguyên nhân làm ăn “thua lỗ” được lý giải theo nhiều cách. Và đây là một trong những cách “lý giải” đó: Để làm ra 1kg trà thành phẩm, các doanh nghiệp FDI phải bỏ vốn đến những 8 – 9USD nhưng khi xuất bán (cho công ty mẹ ở nước ngoài), họ sẵn sàng đồng ý với giá chỉ từ 2,8 – 4USD.

Xin nhắc lại, khách hàng của các doanh nghiệp FDI này không ai khác ngoài công ty mẹ hoặc những đối tác làm ăn lâu dài của họ ở nước ngoài. Sản phẩm với giá “bèo” đó khi về đến công ty mẹ ở nước ngoài sẽ được gắn nhãn mác rồi bán ra thị trường với giá… không thể kiểm soát được.

Sự thừa nhận... muộn màng

Cục Thuế Lâm Đồng khi vào cuộc kiểm tra mới vỡ nhẽ chuyện báo cáo thua lỗ của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh này chỉ là chuyện lỗ ảo. Qua kiểm tra 17 doanh nghiệp kinh doanh nghề trà và đồng thời tổ chức nhiều cuộc đối thoại, Cục Thuế Lâm Đồng đã “buộc” những doanh nghiệp này thừa nhận việc hạ giá thành (thực tế là chuyển giá) đến mức thấp nhất có thể để sau đó về đến công ty mẹ ở nước ngoài, mức giá sẽ được nâng lên theo giá thị trường, còn ở Việt Nam, với mức giá “gây lỗ” như vậy, họ đã trốn được thuế.

“1kg trà xuất bán cho công ty mẹ chỉ từ 2 – 4USD nhưng giá thực của nó không dưới 11USD, cao hơn ít nhất là 2USD so với giá thành” – một cán bộ chuyên môn của Cục Thuế Lâm Đồng cho biết.

Qua kiểm tra 17 doanh nghiệp FDI kinh doanh nghề trà trên địa bàn tỉnh, Cục Thuế Lâm Đồng đã “cắt lỗ” trong hạn chuyển lỗ của 17 doanh nghiệp này đến hết ngày 31.12.2009 với tổng số tiền lên đến 316,5 tỷ đồng.

Đồng thời, cũng qua kiểm tra, những doanh nghiệp đó buộc đã kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền 8 tỷ đồng (mặc dầu chỉ nộp ở mức được giảm 50% theo chế độ ưu tiên như quy định). Trong đó, mức thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng của Công ty TNHH Haiyih là 541 triệu đồng, của Công ty King Lộ: 421 triệu đồng, TFP Việt Nam: 329 triệu đồng…

Rõ ràng, 8 tỷ đồng thuế thu nhập mà 17 doanh nghiệp FDI kinh doanh trà ở Lâm Đồng phải làm nghĩa vụ là con số không lớn, nhưng điều quan trọng hơn cả là bắt đầu từ đó, tình trạng “lỗ ảo” của các doanh nghiệp này đã bị lật tẩy.

Sau khi kiểm tra với kết qua là đã “cắt” được “lỗ ảo” của nhiều doanh nghiệp FDI, hiện Cục Thuế Lâm Đồng đang triển khai bước hai của chương trình chống chuyển giá và trốn thuế của hơn 110 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh với những công việc cần phải làm như xác định giá xuất khẩu thực các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, xem xét lại toàn bộ giá kê khai của các doanh nghiệp này trong hai năm 2010 và 2011 có sát với thực tế hay không…