Dân Việt

Ủy ban ATGTQG: “Mỗi ngày có hơn 20 người đi không quay trở về nhà”

Đình Việt 26/12/2017 21:23 GMT+7
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, tại Việt Nam trong những năm qua, TNGT đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Vừa qua, tại TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức khai mạc "Ngày hội an toàn giao thông đồng bào các khu vực miền núi phía Bắc năm 2017".

Ngày hội An toàn giao thông khu vực miền núi phía Bắc năm 2017 được tổ chức nhằm mục đích nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của người dân khu vực nông thôn, vùng biên giới miền núi phía Bắc.

Đồng thời, huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, miền núi đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, đồng bào các dân tộc tham gia bảo đảm TTATGT nhằm hướng tới mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo, TTATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông khu vực nông thôn, miền núi góp phần xây dựng nông thôn mới.

img

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia tại chương trình.

Phát biểu tại chương trình, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tại Việt Nam trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TNGT đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Cụ thể, 11 tháng đầu năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.045 vụ (giảm 5,38%), số người chết giảm 303 người (giảm 3,83%), số người bị thương giảm 1.995 người (giảm 11,61%). Tuy nhiên, TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao.

Cứ mỗi ngày có hơn 20 người đi và không quay trở về nhà; 60 người bị thương vì TNGT; 84% số nạn nhân trong độ tuổi từ 19-55, là trụ cột của gia đình, cộng đồng, cơ quan và của xã hội.

“Tôi đề nghị chúng ta hãy cùng thực hiện và vận động những người xung quanh thực hiện những hành động rất cụ thể như: Đã uống rượu bia – Không lái xe; Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; Không lạng lách, đánh võng; Không sử dụng điện thoại khi đang lái xe; mặc áo phao hoặc mang dụng cụ cứu sinh khi đi đường thuỷ;... để cùng chung tay xây dựng môi trường giao thông Việt Nam ngày càng an toàn, thân thiện hơn”, ông Hùng nhấn mạnh.