Đoạn đường mã bão số 16 đã có thời gian lệch đi theo hướng Tây - Tây Nam (màu vàng. Hiện bão đã trở lại di chuyển theo hướng Tây, nhiều khả năng vùng tâm bão sẽ “liếm qua” tỉnh Cà Mau, thay vì đổ bổ trực tiếp vào Bà Rịa - Vũng Tàu tới Cà Mau như dự báo ban đầu.
Từ một cơn bão được đánh giá có cấp độ rủi ro rất cao, thậm chí từng được cảnh báo là “thảm họa” đối với các tỉnh, thành từ Bà Rịa - Vũng Tàu tới Cà Mau, nhưng vào trưa 25/12, bão số 16 (Tembin) đã có một “cú ôm cua” ngoạn mục rồi suy yếu dần.
Cụ thể, bão Tembin đã đạt cường độ mạnh nhất vào đêm 24/12 với gió mạnh cấp 12, giật cấp 14, 15. Tới sáng 25/12, bão bắt đầu lệch về phía Nam trong một khoảng thời gian ngắn, không còn di chuyển theo hướng Tây mà là Tây - Tây Nam rồi trở lại di chuyển theo hướng Tây. Hiện, bão số 16 đang mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Giải thích cho sự thay đổi bất thường trong đường đi của cơn bão nói trên, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đường đi của bất kỳ cơn bão nào cũng đều không thẳng tắp, mà nó thường đi dích dắc, có lúc lên có lúc xuống, nhìn chung là uốn lượn.
“Về câu hỏi tại sao cơn bão số 16 lại lượn xuống dưới một chút như hôm nay, thì đó là do ảnh hưởng của không khí lạnh. Cũng giống như cơn bão số 15, không khí lạnh tràn xuống đã khiến nó dạt xuống tận Malaysia. Bão số 16 đúng là có ngoặc lên, ngoặc xuống một tí trong những ngày qua nhưng cơ bản vẫn giữ hướng Tây”, ông Hải giải thích.
Theo ông Hải, mặc dù bão số 16 đang dần bị đẩy ra khu vực Biển Đông của Nam Bộ nhưng còn rất khó lường. Người dân ở các tỉnh, thành phía Nam vẫn phải luôn cảnh giác cao độ, đề phòng có diễn biến bất ngờ hay vòi rồng, gió lốc xảy ra, đặc biệt ở Tây Nam Bộ. Riêng những nơi ở rìa bắc của vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 16 như TP.HCM hay Bà Rịa - Vũng Tàu thì nhiều khả năng sẽ có gió cấp 4, 5 hoặc cao nhất là cấp 6.
Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có nước biển dâng do bão khoảng 0,5m, sóng biển cao từ 3 - 5m. Hiện, mọi tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm đều đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 16 tiếp tục có xu hướng yếu dần; hoàn lưu bão đang gây mưa cho các tỉnh Nam Bộ, tại Côn Đảo đã có gió giật mạnh cấp 7.
Hồi 19h ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển 15 - 20km/giờ. Đến 7h ngày mai (26/12), vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven biển từ Trà Vinh đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 11.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h.
Trong đêm nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8; vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 - 9, giật cấp 11. Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9; các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió giật cấp 8. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ có gió giật cấp 7, riêng các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận do kết hợp với không khí lạnh nên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Cấp độ rủi ro thiên tai của bão số 16 hiện đang được cảnh báo ở mức 3, thấp hơn một cấp so với ngày 24/12.
Sợ “thảm họa lịch sử” bão Linda năm 1997 lặp lại, hàng ngàn người dân ở Cà Mau lo chằng chống nhà cửa, ứng phó trước...