Để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, từ tháng 7 năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh triển khai mô hình: “Thử nghiệm nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp” tại các huyện: Gia Bình và Lương Tài. Sau hơn 1 năm triển khai, có thể khẳng định nuôi cá nheo Mỹ là hướng đi mới giúp cho người nuôi trồng thủy sản nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế...
Mô hình nuôi cá Nheo Mỹ của gia đình ông Đỗ Văn Nên ở xã Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần nuôi các giống cá truyền thống.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 5.350 ha mặt nước đủ điều kiện nuôi trồng thuỷ sản. Để khai thác tốt tiềm năng, những năm qua, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh xây dựng mô hình, đưa giống thuỷ sản mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng như: nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi lươn không bùn, nuôi ếch, ba ba…
Tháng 7-2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Thử nghiệm nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp” tại các huyện Gia Bình và Lương Tài. Mô hình được triển khai với quy mô 9.000 m2, thả 15.300 con giống tại 2 hộ thuộc xã Bình Dương (Gia Bình) và Trung Kênh (Lương Tài). Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các xã khảo sát chọn hộ tham gia; kiểm tra công tác chuẩn bị ao nuôi, xử lý ao trước khi thả giống; tập huấn kỹ thuật cho hộ dân xây dựng mô hình và cung ứng con giống, thức ăn theo mức hỗ trợ.
Ông Đỗ Văn Nên ở thôn Cáp Trên, xã Trung Kênh (Lương Tài), một trong 2 hộ tham gia mô hình cho biết: “Với diện tích 4.500 m2 mặt nước, gia đình từng nuôi nhiều loại cá truyền thống như cá trôi, mè, chim, rô phi…nhưng hiệu quả kinh tế không cao, mỗi năm chỉ cho thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng.
Năm 2016, gia đình Ông Nên tham gia nuôi thử nghiệm 7.650 con cá nheo Mỹ thương phẩm. Thực tế sản xuất cho thấy, cá Nheo Mỹ dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ sống đạt từ 90% trở lên. Sau 14 tháng nuôi, cá nheo cho thu hoạch với trọng lượng trung bình 2,5 kg/con, sản lượng đạt gần 18 tấn, với giá thị trường khoảng 75.000-80.000 đồng/kg như hiện nay gia đình có thu nhập hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi hơn 100 triệu đồng, gấp 3-4 lần so với nuôi các giống cá truyền thống”.
Ông Vũ Thái Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Cùng với mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi cá trắm đen, kết quả khả quan của mô hình nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp đã mở ra triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập có giá trị, mô hình còn bổ sung cơ cấu giống thuỷ sản của tỉnh, hướng tới mục tiêu đa dạng nguồn hàng hoá thương phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân...".
Từ hiệu quả của mô hình thử nghiệm cần khuyến khích người dân đẩy mạnh khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là với các loại cá đặc sản như cá nheo Mỹ, cá lăng để tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đồng thời tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Theo ông Vũ Thái Ninh, cá nheo Mỹ cũng là nguồn tạo ra sản phẩm có ý nghĩa xã hội cao, nguồn thực phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, nuôi cá nheo Mỹ cần vốn đầu tư lớn cho con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất… vì vậy, để nhân rộng mô hình, ngoài việc cung ứng con giống tốt, khỏe mạnh, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nuôi trồng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi.