Dân Việt

Nhà máy rác thải nguy hại "mọc" trên đất nuôi trồng thủy sản

Nhóm PV 29/12/2017 09:05 GMT+7
Tiếp tục tìm hiểu, PV phát hiện ra dù cơ quan chức năng đã yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, buộc di dời nhưng nhà máy xử lý chất thải "vẫn y nguyên" tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.

Năm 2009 UBND huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng đã cấp phép cho ông Đặng Kim Sơn và bà Vũ Thị Thanh (cùng trú tại Thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) 3.500m2 đất để nuôi trồng thủy sản. Nhưng trên diện tích đất này lại "mọc" lên Nhà máy xử lý rác thải. 

Tiền trảm hậu tấu

Theo tài liệu PV Dân Việt thu thập được, khu đất hơn 3.500 m2 nói trên nằm phía Tây Bắc núi Thần Vi (Thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên). Ngày 15.5.2009 UBND huyện Thủy Nguyên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất nói trên cho ông Đặng Kim Sơn để xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Thời hạn sử dụng đất được ghi đến ngày 1.4.2029.

Tuy nhiên, trước khi được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ, ông Sơn đã đem khu đất trên để góp vốn với Công ty Toàn Thắng để xây dựng nhà máy xử lý rác thải.

Ông Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc Nhà máy xử lý rác thải Công ty Toàn Thắng thừa nhận: "Sở dĩ Công ty xây dựng được nhà máy là dựa vào việc gia đình ông Sơn ký hợp tác đầu tư góp vốn bằng đất với Công ty Toàn Thắng".

Theo văn bản số 2247/SXD-QLVLXD năm 2016 về việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải tại TT Minh Đức của Sở xây dựng Hải Phòng thì thời gian ký kết hợp tác là ngày 2.4.2009. Nhưng thời điểm xây dựng nhà máy lại được bắt đầu từ năm 2007 và chính thức hoạt động từ năm 2009. Có thể thấy, quy trình thủ tục và sử dụng đất nêu trên để xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại là rất bất thường.

Quá trình xây dựng nhà máy được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là xây dựng và đi vào hoạt động (2007-2009); Giai đoạn 2 tăng năng lực xử lý và khu vực xử lý (2012). Đến nay, diện tích đơn vị sử dụng xây dựng và mở rộng sản xuất không chỉ là 3500m2 mà lên tới gần 2,2 ha với khoảng 20 hạng mục công trình khác nhau.

Ông Bảo khẳng định đến thời điểm hiện tại GCNQSDĐ nêu trên vẫn còn thời hạn sử dụng và đơn vị sử dụng đất hoàn toàn đúng mục đích. Việc cấp huyện cấp đất sai thẩm quyền là do lỗi tại chính quyền. Doanh nghiệp chỉ biết sử dụng theo giấy chứng nhận được cấp. Còn phần diện tích sử dụng thêm khoảng 18.000 m2 đất tại khu vực núi Thần Vi để đầu tư, mở rộng sản xuất, đơn vị đã xin ý kiến Sở TNMT TP.Hải Phòng.

Nhưng khi PV đề nghị được cung cấp văn bản đề xuất như đã trao đổi thì phía công ty chưa cung cấp được.

Được biết, năm 2014, thành phố có văn bản 8014/UBND-MT đồng ý về chủ trương việc tồn tại nhà máy xử lý chất thải của Công ty Toàn Thắng tại địa điểm nêu trên. Tuy nhiên, công ty lại cho rằng văn bản trên là văn bản cho phép xây dựng. 

Không có trong quy hoạch

Đến thời điểm hiện tại, Công ty Toàn Thắng vẫn chưa được thành phố Hải Phòng ra quyết định cho thuê đất. Điều này được khẳng định tại văn bản của các sở, ngành liên quan.

Cụ thể, văn bản số 1090/STNMT–KS ngày 27.5.2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường nêu Công ty Toàn Thắng sử dụng, xây dựng các công trình trái phép trên diện tích 21.932m2 đất tại khu vực phía Tây núi Thần Vi, trong đó có 3.511m2 đất được UBND huyện Thủy Nguyên cho ông Đặng Kim Sơn thuê.

Do việc cho ông Sơn thuê đất sử dụng không đúng mục đích nên UBND huyện Thủy Nguyên đã có quyết định số 3644/QĐ – UBND thu hồi quyết định cho ông Đặng Kim Sơn thuê đất, hủy bỏ GCNQSDĐ đất và hồ sơ tài liệu liên quan đến diện tích nói trên.

img

Dù đã có quyết định thu hồi đất nhưng công ty Toàn Thắng vẫn hoạt động bình thường.

Mặc dù quyết định thu hồi đất đã ban hành nhưng đến nay, Công ty Toàn Thắng vẫn hoạt động bình thường trên khu đất nói trên. Về hành vi này, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với Công ty Toàn Thắng lấn chiếm đất khi chưa được UBND thành phố cho thuê đất và hành vi hoạt động khai đào khoáng sản đá vôi trái phép tại khu vực chân núi Thần Vi với mức phạt 12 triệu đồng theo quyết định số 05/QĐ- XPHC ngày 29.3.2016.

Bên cạnh đó, công văn số 229/STNMT-KS ngày 29.1.2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cũng nêu rõ nhà máy trên nằm trong khu vực vành đai an toàn của kho 703 Hải Quân, trong khu vực ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng, không nằm trong quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hải Phòng đã được UBND TP phê duyệt.

Để giải quyết việc nhà máy xây dựng không nằm trong quy hoạch này, ngày 16.6.2017, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng và UBND huyện Thủy Nguyên nghiên cứu, đề xuất phương án di dời Nhà máy xử lý chất thải đến địa điểm mới phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, cho đến nay nhà máy "không phép" này vẫn ở nguyên chỗ cũ và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.