TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) chia sẻ như thế bên lề Diễn đàn Quốc gia lần thứ nhất bàn Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC), tổ chức tại TP.HCM ngày 27.12.
Diễn đàn Quốc gia lần thứ nhất mong muốn tìm giải pháp phát triển bền vững cho nông nghiệp hữu cơ hiện nay. Ảnh Nguyên Vỹ
Theo TS. Nguyễn Văn Bộ, nông nghiệp trong nước có nhiều phương thức canh tác nhưng sợ nhất là chạy theo phong trào. Đã có nhiều bài học, làm VietGAP cũng chạy theo phong trào; làm công nghệ cao cũng chạy theo phong trào; mới đây nhất là cách mạng 4.0 trong nông nghiệp cũng vậy.
Nhiều ý kiến đồng ý rằng NNHC là xu hướng quan trọng trong bối cảnh đề cao an toàn thực phẩm. Nhưng phải hiểu chính xác NNHC là thế nào và làm như thế nào ở Việt Nam thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo kinh nghiệm quan sát của bản thân, TS. Bộ đưa ra các trường hợp: nhà nước đầu tư và quản lý thì thất bại 100%; nhà nước đầu tư và doanh nghiệp quản lý thì thành công 50%; doanh nghiệp đầu tư và tự quản lý, nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách thì thành công vì bản thân doanh nghiệp tự biết họ cần gì và phải làm gì.
Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hữu cơ hiện nay còn rất lớn. Ảnh: Nguyên Vỹ
Đưa ra ví dụ công ty Mía đường Lam Sơn đầu tư cho nông dân trồng mía. Đến khi thu hoạch thì nhà máy khác trả giá cao hơn dù không hề đầu tư gì trước đó, thế là nông dân “bẻ kèo” hợp đồng mà không ai quản lý được. Những trường hợp tương tự như thế không hiếm gặp.
Thêm một lưu ý nữa, Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ 100 nghìn tỷ đồng để làm nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng ai dám khẳng định người đứng ra vay vốn sẽ làm công nghệ cao thật hay đội lốt nhà đầu tư để lấy đất của dân. Lấy đất xong, họ lại chuyển đổi công năng sử dụng đất không đúng mục đích ban đầu thì chỉ có chết nông dân.
“Từ những trường hợp như thế, không khéo phải thêm 1 nhà nữa là nhà tù. Ai hỗ trợ cho doanh nghiệp khi họ đổ hết vốn vào đầu tư ban đầu rồi bị hớt tay trên. Chúng ta thực chất không cần 4 nhà như khẩu hiệu lâu nay”, TS. Bộ nói.
Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay được đánh giá còn ít cơ hội mà khó khăn, thách thức thì nhiều. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo đó, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp cho rằng, thực chất chỉ cần 2 nhà: doanh nghiệp và nông dân hoặc đại diện nông dân là HTX, còn nhà nước hỗ trợ chính sách. Doanh nghiệp cần nhà khoa học nào, tự họ tìm đến theo đúng nhu cầu.
“Ngân hàng cũng vậy. Ai làm đúng tiêu chí, ngân hàng sẽ cho vay vốn, nhà nước hỗ trợ lãi suất. Ngân hàng là chủ thể kinh doanh độc lập, sao lại bắt họ chịu lãi suất thấp?”, ông Bộ đặt vấn đề.
Trở lại chủ đề NNHC đang trở thành đề tài bàn tán sôi nổi lâu nay, TS. Bộ cho rằng phải có lộ trình chuyển đổi để đi từ căn bản tiến lên bền vững. Hành lang pháp lý mà cụ thể là Nghị định về NNHC sắp ban hành sẽ cởi trói nhiều nút thắt hiện nay.
TS. Nguyễn Văn Bộ cho rằng các phương thức canh tác nông nghiệp không nên chạy theo phong trào mà phải có bước đi vững chắc và có lộ trình. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Bộ đề nghị Nhà nước cũng phải có bộ phận chuyên biệt cung cấp thông tin để doanh nghiệp có định hướng đúng đắn. Lâu nay các cơ quan tham tán hoặc xúc tiến thương mại chưa đảm nhiệm được chức năng này. Trong khi nhu cầu sản xuất ra phải biết rõ thị trường cả trong và ngoài nước cần gì.
“Để khỏi chạy theo phong trào, NNHC cần có các bước đi cụ thể làm gì, làm ở đâu và làm thế nào? Hệ thống tiêu chuẩn trong nước và các đề tài nghiên cứu cho giải pháp thị trường cũng cần sớm triển khai”, TS. Bộ chia sẻ.
Theo Hiệp hội NNHC, sản xuất NNHC ở Việt Nam hiện đã có 36 tỉnh thành triển khai, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay diện tích canh tác đã tăng gấp 3,6 lần năm 2010, đạt khoảng 77.000ha. Đây vẫn là con số còn khiêm tốn so với 51 triệu ha NNHC của thế giới và hơn 11,5 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. |