Tòa nhà 239 tỷ bán không ai mua
Tòa nhà Bạc Liêu Tower do PVC MeKong đầu tư được cho là cao nhất Bạc Liêu khi ấy gồm 18 tầng, là Tổ hợp thương mại, khách sạn và cao ốc văn phòng. Tổng mức đầu tư là 239 tỷ đồng.
Thực tế, PV Gas là đơn vị đầu tiên tham gia dự án nêu trên, sau đó chuyển lại cho PVC-Mekong - công ty mà Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) thời Trịnh Xuân Thanh góp vốn.
Tính đến cuối 2013, số tiền PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh rót vào PVC-Mekong là 153 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ đồng lấy từ tiền tạm ứng hơn 1.300 tỷ của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Số tiền này được cho là chi sai mục đích. Kết quả kinh doanh của PVC Mekong khi ấy cũng không mấy tươi sáng, lâm vào thua lỗ.
Sau khi tiếp nhận lại Dự án Bạc Liêu Tower từ PV Gas, PVC-Mekong đã kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án, tuy nhiên không có nhà đầu tư tham gia. Để đủ nguồn lực triển khai dự án, PVC-Mekong đã xây dựng phương án tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng vay vốn sản xuất kinh doanh và thực hiện dự án. Ngày 26/4/2011, ĐHĐCĐ PVC-Mekong đã thông qua Nghị quyết số 01 việc tăng thêm 400 tỷ đồng vốn điều lệ, nhưng đến tháng 2/2012, các cổ đông góp vốn chỉ đạt 180/400 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, PVC-Mekong còn nợ gốc vay tại Oceanbank là hơn 119 tỷ đồng và chi phí lãi vay tính đến 31/12/2016 là 115 tỷ đồng (bao gồm lãi, phạt chưa thanh toán là 47 tỷ đồng), các chi phí vay này làm cho PVC-Mekong mất cân đối về tài chính.
Dự án Bạc Liêu Tower được hoàn thành ngày 12/12/2011 với quy mô 18 tầng, trong đó đã hoàn thiện từ tầng 1 đến tầng 8 và tầng 17, các tầng còn lại là xây thô, chưa hoàn thiện.
Giá trị của tòa nhà xác định vào thời điểm tháng 6/2015 là gần 220 tỷ
Theo giải trình của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), khi tòa nhà Bạc Liêu Tower hoàn thành xây dựng kết cấu chính năm 2011 cũng là thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tình trạng bất động sản đóng băng, việc kêu gọi các chủ đầu tư thứ cấp tham gia hợp tác đầu tư với PVC-Mekong không thành công nên PVC Mekong xin chủ trương chuyển nhượng (bán đấu giá) tòa nhà và được PVC chấp thuận tại Nghị quyết ngày 18/10/2012.
PVC-Mekong đã thuê công ty đấu giá và tư vấn miền Nam tổ chức bán đấu giá công khai tòa nhà Bạc Liêu Tower, nhưng qua 6 đợt công bố bán đấu giá và điều chỉnh giá khởi điểm từ 239 tỷ xuống 201 tỷ vẫn không có khách hàng đủ nguồn lực tài chính để mua lại.
Để tháo gỡ khó khăn, PVC-Mekong tiếp tục làm việc với PVGas và xin chủ trương của PVN giao cho PVGas tiếp nhận lại dự án và đã được PVN đồng ý để PVGas mua lại tòa nhà này.
Bạc Liêu muốn “giải cứu” dự án
Sau đó, tháng 9/2016 UBND tỉnh Bạc Liêu và PVN đã thống nhất đàm phán chuyển nhượng tòa nhà với giá trị 198 tỷ đồng (đã bao gồm thuế VAT). UBND tỉnh Bạc Liêu lý giải việc này nhằm hỗ trợ khó khăn cho PVC và PVC Mekong trong việc chuyển nhượng tòa nhà và thanh toán dứt điểm nợ ngân hàng/khách hàng, giảm bớt chi phí tài chính, đồng thời để bố trí cho nhu cầu về trụ sở làm việc cho cơ quan ban ngành của tỉnh Bạc Liêu, tránh gây lãng phí tài sản đầu tư,...
Theo đó, PV Gas thực hiện việc mua tòa nhà từ PVC-Mekong sau đó sẽ chuyển nhượng cho UBND tỉnh Bạc Liêu. UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ trả chậm trong vòng 10 năm cho PV Gas, trong thời gian này UBND tỉnh Bạc Liêu không phải trả lãi trả chậm.
Mỗi năm, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ trả 19,8 tỷ đồng và có thể trả bù cho các năm tiếp theo nếu ngân sách có năm không cân đối đủ.
Với phương án trả chậm 10 năm không tính lãi thì sẽ giúp chi phí giảm nhiều so với phương án đầu tư trụ sở mới, hay là thuê trụ sở.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT cho rằng: Việc UBND tỉnh Bạc Liêu muốn mua lại tòa nhà Bạc Liêu Tower về bản chất là hình thành dự án mua sắm đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung. Dẫn Chỉ thị của Thủ tướng vào tháng 4/2017, Bộ này lưu ý hiện diện tích làm việc của cán bộ công chức tại Bạc Liêu đạt 64,68%, nên việc tỉnh báo cáo đang gặp khó khăn về trụ sở là có cơ sở. Song Bộ KH-ĐT cũng lưu ý đây là khó khăn chung của nhiều bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh việc xây dựng và kinh doanh tòa nhà Bạc Liêu Tower không hiệu quả là trách nhiệm của PVN và các đơn vị thành viên (PVGas, PVC- Mekong).
Mặc dù UBND tỉnh Bạc Liêu có nhu cầu về trụ sở cho các cơ quan hành chính của tỉnh song theo Bộ KH-ĐT, việc đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để mua lại tòa nhà Bạc Liêu - tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng - nhằm hỗ trợ khó khăn tài chính cho DN trong bối cảnh chưa rõ ràng về căn cứ pháp lý là “tiềm ẩn rủi ro và phức tạp về mặt tài chính”.
Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu xem xét đề xuất này một cách cẩn trọng, nghiêm túc, trách nhiệm, tránh làm thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước, đặc biệt không được sử dụng ngân sách nhà nước đang rất hạn chế để hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho dự án kém hiệu quả của DN hoặc DNNN.
Nếu UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định lập dự án để mua lại tòa nhà Bạc Liêu Tower phải đảm bảo hàng loạt yêu cầu. Trong đó, phải xây dựng các phương án đầu tư trụ sở khác để so sánh với phương án mua lại tòa nhà Bạc Liêu Tower trước khi chọn nếu là phương án tối ưu.
Ngoài ra, cơ sở pháp lý cho việc mua lại tòa nhà Bạc Liêu Tower phải rõ ràng, đầy đủ; không chịu trách nhiệm về các hệ lụy hoặc tác động tiêu cực từ việc tòa nhà này đang chịu thế chấp ngân hàng và trách nhiệm trả lãi vay phát sinh.
Bộ KH-ĐT cũng đề nghị giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí và người đại diện phần vốn tại các đơn vị trực thuộc (PVGas, PVC-Mekong, PVC) làm rõ chủ trương, quá trình đầu tư, lỗ phát sinh, trách nhiệm xảy ra thua lỗ tại dự án này.