Siêu mẫu Bar Refaeli đóng vai nữ đặc vụ Mossad trong chiến dịch ám sát cựu thủ lĩnh Hamas Mahmoud al-Mabhouh.
Cách đây hơn 51 năm, tình báo Israel khởi động chiến dịch Kim cương, thu giữ một chiếc tiêm kích MiG-21 do Đại úy không quân Iraq Munir Redfa điều khiển.
Truyền thông quốc tế khi đó đăng tải không ít bài bình luận về lý do Israel thành công trong việc lôi kéo phi công Munir Redfa. Có người nói rằng, Redfa là người Công giáo, bị phân biệt tôn giáo, không được thăng tiến trong khi phải sống xa gia đình ở thủ đô Baghdad.
Có người khác nói Redfa đã dao động khi biết Israel sẵn sàng trả 1 triệu USD, được cấp quyền công dân và có công việc ổn định và thậm chí còn đưa cả gia đình phi công này rời Iraq.
Chiếc MiG-21 Redfa giao nộp cho Israel giúp không quân nước này nắm rõ điểm mạnh yếu của tiêm kích do Liên Xô sản xuất, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của không quân Israel trong cuộc chiến Israel-Ả Rập giai đoạn 1967-1973.
Chiến dịch Kim cương
Theo National Interest, ít người biết rằng để phi công Iraq chấp nhận đào tẩu, những nữ điệp viên Mossad của Israel đã phải dùng đến “mỹ nhân kế” và thậm chí là giết người diệt khẩu nếu mục tiêu từ chối.
Câu chuyện bắt đầu khi tình báo Israel biết được tung tích nhóm 15 phi công quân sự được Iraq cử tới Mỹ học tập năm 1965, một trong số này là Đại úy Munir Redfa.
Chiến dịch Kim cương ngay lập tức được đề ra với mục tiêu thu giữ ít nhất một tiêm kích MiG-21 do các phi công này điều khiển. Để tăng khả năng thành công, những điệp viên Israel tham gia vào chiến dịch này đều là các nữ đặc vụ Mossad.
Trung úy Hamid Dhahe là mục tiêu đầu tiên, được nữ điệp viên Jean Pollan tiếp cận vào tháng 3.1965. Người này từ chối lời đề nghị đào tẩu của Mossad và được cho 3 ngày để rời Mỹ, nhưng phi công Iraq đã bỏ qua lời đe dọa.
Đêm ngày 15.6.1965, Dhahe bị bắn chết trong một quán rượu, sau khi nơi này gặp sự cố mất điện.
Chiếc MiG-21 Israel thu giữ được từ không quân Iraq.
Nhận thấy vụ việc trở nên nghiêm trọng, không quân Iraq quyết định rút toàn bộ nhóm sĩ quan đang huấn luyện tại Mỹ. Tuy nhiên, ba người trong số đó gồm đại úy Shaker Mahmoud Yusuf, Mohammad Raglob và Munir Redfa đã kịp có mối quan hệ với nữ đặc vụ Mossad.
"Bạn gái" của Yusuf tới thủ đô Baghdad để gặp phi công này vào đêm ngày 6.7.1965. Khi Yusuf từ chối đào tẩu, nữ đặc vụ Ezra Zelkha đã thẳng tay bắn chết viên phi công Iraq.
Đại úy Raglob cũng bị giết không lâu sau đó vì đòi phần thưởng quá lớn. Hai điệp viên Mossad ném phi công này khỏi chuyến tàu cao tốc tại Đức vào ngày 11.2.1966.
Lời đề nghị không thể từ chối
Không có nhiều thông tin về nữ điệp viên dùng "mỹ nhân kế" với đại úy Redfa, ngoài cái tên Lisa Brat.
Vài ngày sau khi tới Baghdad, Brat hẹn gặp và dụ dỗ phi công này đào tẩu, đồng thời đưa ra lời đe dọa "nhận tiền hoặc chết". Redfa nhận lời với điều kiện phải đưa gia đình mình ra nước ngoài.
Một tháng sau đó, Mossad đã đưa toàn bộ gia đình 17 người của Redfa tới Iran thành công. Đến lượt viên phi công Iraq thực hiện "sứ mệnh" của mình.
Ngày 16.8.1966, Redfa điều khiển chiếc MiG-21 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thông thường ở phía tây thủ đô Baghdad. Viên phi công này bất ngờ điều khiển máy bay qua không phận Jordan.
Chiếc MiG-21 phi công Iraq lái sang Israel hiện vẫn được trưng bày tại viện bảo tàng.
Lực lượng phòng không Jordan phát hiện chiếc MiG-21 nhưng không can thiệp vì tưởng rằng đây là tiêm kích của không quân Syria.
Redfa bay qua không phận Jordan tới biên giới Irael và được hai tiêm kích Mirage III của Israel hộ tống. Trong cuộc họp báo sau cuộc đào tẩu, Redfa cho nói chiếc MiG-21 hạ cánh khi đã cạn kiệt nhiên liệu.
Tình báo Israel giữ đúng lời hứa thưởng cho Redfa một triệu USD, cho phép nhập quốc tịch và tìm việc làm mới.
Tháng 1.1968, Israel cho Mỹ mượn chiếc MiG-21, trước khi nó được đặt định danh YF-110 và tham gia vào chương trình Have Donut tại Khu vực 51 bí ẩn.
Không quân Mỹ được cho là thu về nhiều kinh nghiệm từ quá trình nghiên cứu, giúp tìm ra cách đối phó với tiêm kích MiG-21 trong những cuộc không chiến sau này.
Cuộc điều tra của chính quyền Baghdad kết luận Redfa là mục tiêu thứ 4 trong danh sách của Mossad. Nếu Redfa từ chối đề nghị, tình báo Israel sẽ thủ tiêu anh ta rồi tiếp tục đe dọa, ám sát từng phi công khác. Do đó, đồng đội và thượng cấp của Redfa đều không bị trừng phạt trong vụ việc này.
Vào đầu thập niên 1970, Mỹ tiếp tục nhận được 13 tiêm kích MiG-21F-13 từ Indonesia, giúp Washington thành lập một phi đội máy bay riêng.
Những chiếc MiG-21 này giúp hàng nghìn phi công Mỹ diễn tập đối mặt trong tình huống thực tế, thay vì chỉ giới hạn ở vài phi công thử nghiệm lão luyện.
Hải quân Israel từng thực hiện chiến dịch táo bạo vào đúng dịp Giáng sinh cách đây 48 năm trước, đánh cắp 5 tàu tên...