Dân Việt

Tiêu chết, kéo nhau trồng nghệ, ế chỏng chơ, nông dân méo mặt

Trần Hiền 30/12/2017 06:20 GMT+7
Cây tiêu chết, nông dân kéo nhau trồng nghệ và giờ hàng trăm ha nghệ trên địa bàn huyện Chư Sê và huyện Chư Pưh (Gia Lai) dù đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng không có thương lái đến thu mua. Nhiều hộ dân đang “méo mặt” vì đào nghệ lên ế chỏng chơ thì không bán được, mà để dưới đất lâu ngày cũng thối nát.

Điêu đứng vì không tìm được đầu ra

Theo tìm hiểu của Danviet, đầu năm 2017 nhiều hộ dân nghe thông tin sẽ thu được lợi nhuận “khủng” từ cây nghệ. Cụ thể, 1 ha nghệ tươi sẽ thu về hơn 100 triệu đồng. Loay hoay tìm cây làm giàu khi tiêu chết, bà con đã chuyển sang trồng bí và bí cũng đổ đống chồng chất vì không ai mua. Tưởng có thể thoát khỏi cây hồ tiêu và sẽ phất lên nhanh chóng khi triển khai mô hình trồng cây nghệ. Nhưng chưa kịp vui mừng thì thêm một lần nữa họ lại “khóc đứng, khóc ngồi” với hàng trăm ha nghệ đã đến thời điểm thu hoạch nhưng không có một bóng dáng thương lái nào đến thu mua.

Trò chuyện với chúng tôi ông Trần Quốc Toản (34 tuổi, thôn Vinh Phú, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) buồn rầu nói: “Trước đây quỹ đất này gia đình tôi trồng tiêu và cà phê do tiêu chết nên chuyển sang trồng bí, nhưng rồi bí cũng chất đống thối nát vì không ai mua. Thấy bên Đăk Lăk họ trồng nghệ lãi cao nên cũng mua giống về trồng, cây nghệ phát triển khá mạnh, củ nhiều. Tuy nhiên, hiện đã đến thời kỳ thu hoạch, cây nghệ đã rủ hết lá. Nhưng gần tháng nay vẫn không có ai đến hỏi mua. Riêng tiền giống đã 3 triệu rồi, chưa kể tiền công cán chăm sóc cũng phải hơn 10 triệu nữa. Cứ đà này thì không biết có ai mua không đây”.

                        img

Vườn nghệ của ông Toản dù đã đến thời kỳ thu hoạch những vẫn không thể đào bán vì không có ai mua

Mặc dù cây nghệ phát triển khá tốt, củ cho năng suất cao nhưng thay vì vui mừng thì gia đình ông Đào Đình Quang (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) đang “dở khóc, dở cười” bên gần 1 ha nghệ đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không tìm được thương lái thu mua. Ông Quang tâm sự: “Gần 1ha nghệ của tôi đều được trồng trên diện tích tiêu chết. Đang loay hoay đi tìm cây thay thế cây tiêu thì thấy bà con ồ ạt đưa cây nghệ về trồng. Nhiều người nói trồng nghệ đi, 1 ha có thể thu về khoảng hơn 100 triệu rồi, hơn hẳn tiêu với cà phê mà giống lại rẻ, vậy là theo trồng luôn. Tính hết cả công cán chăm sóc là mất gần 25 triệu rồi, giờ bới lên thì không ai mua, nhưng để dưới đất lâu ngày nghệ cũng thối hết”.

Trồng ồ ạt theo kiểu tự phát

Ông Lê Quang Vang – Phó chủ tịch xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho hay, từ khi tiêu chết, đất trống nhiều nên nông dân họ chuyển qua trồng nghệ và trồng theo phong trào tự phát. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã Ia Blứ có khoảng gần 100 ha nghệ của các hộ dân. Hiện tại trên địa bàn vẫn chưa thấy ai vào thu mua, vấn đề này bên xã đã liên hệ với công ty dưới TP.Hồ Chí Minh để tìm đầu ra cho bà con nhưng họ vẫn chưa phản hồi?

                         img

Gần 1ha diện tích tiêu chết được ông Quang phủ xanh bằng mô hình trồng nghệ, nhưng không tìm được đầu ra

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Long Khánh - Phó phòng nông nghiệp huyện Chư Pưh cho biết: “Việc triển khai trồng nghệ ở huyện mới diễn ra từ đầu năm 2017 đến nay. Do có một số người dân sang bên Đăk Lăk về thấy bên đó trồng hiệu quả nên về ồ ạt trồng. Trên địa bàn huyện chưa có quy hoạch để trồng cây nghệ, đây là dân họ trồng tự phát. Hiện nay, phòng cũng đã triển khai mở nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền. Đồng thời cũng khuyến cáo nông dân nên liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác xã gắn với sản xuất cây trồng, liên kết được với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra. Ngoài ra, phải có các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị của các công ty...”.

                          img

Hàng chục ha nghệ trồng xen cây cao su vẫn không thể thu hoạch dù đã tàn úa

Hiện tại, trên địa bàn huyện Chư Sê cũng có khoảng hơn 200 ha nghệ chuẩn bị thu hoạch, tuy nhiên vẫn chưa thấy ai hỏi mua. Việc nhiều hộ dân trồng nghệ ồ ạt, tự phát và không theo quy hoạch như hiện nay, có thể dễ dẫn tới vỡ nợ khi bỏ hàng chục triệu đồng để mua giống, phân tro chăm sóc mà không thể bán được sản phẩm.