Dân Việt

Làm căng, siết chặt, tình trạng thực phẩm không an toàn "hạ nhiệt"

Lê San 29/12/2017 19:20 GMT+7
Năm 2017 được coi là một năm “gặt hái” nhiều thành công nhất của ngành nông nghiệp về lĩnh vực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên cả 2 mặt trận: Thị trường nội địa (tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm đã bị đẩy lùi, hình thành nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi xanh- sạch) và thị trường xuất khẩu. Thời điểm Tết nguyên đán 2018 đang đến gần, việc quản lý  vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) càng được siết chặt hơn.

Đẩy lùi thực phẩm bẩn

Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), đảm bảo vệ sinh ATTP là nhiệm vụ quan trọng của ngành NNPNT, đảm bảo 2 mục tiêu kép là sản xuất nông sản an toàn trong nước và phục vụ xuất khẩu. Trong 2 năm liền, 2016 -2017, Bộ NNPTNT đã thực hiện đợt cao điểm về vệ sinh ATTP, mục tiêu là giảm thiểu tồn dư vi sinh, ô nhiễm hóa chất trong các sản phẩm nông lâm thủy sản, phát triển chuỗi nông sản an toàn và tăng xuất khẩu. 

Kết quả giám sát năm 2017 cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở và chỉ số ATTP các nhóm sản phẩm chủ lực. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng lên 93,16%.

Đặc biệt không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ; tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh chỉ còn 0,63% (năm 2016 là 1,76); tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh đã giảm còn 0,89% (năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm xuống 0,6% (năm 2016 là 2,05%).

img

  Kiểm tra hoạt động sơ chế rau, thịt tại Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân (quận Thanh Xuân, Hà Nội).  Ảnh: Quang Thiện

Về ATTP, theo Bộ NNPTNT, đã thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 2.506 cơ sở, phát hiện 373 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP và xử phạt 107 cơ sở. Các tỉnh/thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 17.269 cơ sở, phát hiện và xử phạt 3.155 cơ sở vi phạm về chất lượng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm về lĩnh vực ATTP lên tới gần 80 tỷ đồng. Về giảm thiểu tồn dư trong các sản phẩm nông lâm thủy sản, theo kết quả giám sát đã đạt được chỉ tiêu đề ra. Chỉ duy nhất chỉ tiêu về ô nhiễm vi sinh trong các loại thịt vẫn còn 30%.

Bên cạnh đó nhiều chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản toàn cũng đã được hình thành. Cả nước đã xây dựng được 764 chuỗi cung ứng, trong đó có 382 chuỗi xác nhận sản phẩm được kiểm soát theo sản xuất an toàn. Nhiều đơn vị liên kết theo chuỗi được hình thành như Vinmart, đã kết hợp với hơn 1.000 HTX, hoặc như Công ty Ba Huân đã liên kết sơ chế các sản phẩm trứng. Hoặc Liên minh HTX Việt Nam đã  liên kết với hàng trăm HTX sản xuất an toàn để cung ứng nông sản.

Trong các chuỗi liên kết này, làm thế nào để kiểm soát chất lượng sản phẩm, để người dân có cơ hội mua hàng Tết với chất lượng, giá ổn định? Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty CP Ba Huân miền Bắc cho hay: Dịp Tết này, Ba Huân tham gia bình ổn giá trứng cho 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM nên bắt buộc phải đảm bảo sản phẩm đưa tới tay người tiêu dùng  đạt chuẩn an toàn và có nguồn cung ổn định. Ba Huân đã chuẩn hóa chuỗi an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Cụ thể, công ty đã xây dựng trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao ở Bình Dương có diện tích 18ha, tổng đàn trên 1 triệu con, cung cấp giống cho nông dân. Ngoài ra, trang trại có các phân khu: gà lấy thịt, gà lấy trứng thường và gà lấy trứng Omega-3, một khu thí nghiệm và nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia cầm… Song song với đó, Ba Huân còn xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm công nghệ hiện đại ở Long An, công suất 20 tấn/ngày với những thực phẩm thịt gà tươi, gà quay, gà viên, lạp xưởng, xúc xích gà, bánh flan…; nhà máy xử lý trứng gia cầm ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) với công suất 185.000 trứng/giờ; trang trại chăn nuôi gà lấy thịt công nghệ cao quy mô 30ha với tổng đàn 3 triệu con…

Siết quản lý thực phẩm mùa Tết

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, các mẫu tồn dư năm 2017 có giảm so với năm 2016 nhưng theo đánh giá vẫn ở mức cao so với khu vực và các nước tiên tiến. Tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vẫn cao. Năm 2018, Bộ NNPTNT vẫn tiếp tục xác định là năm hành động về vệ sinh ATTP, tiếp tục triển khai 4 nội dung trọng tâm chính. Đáng chú ý là hoàn thiện về mặt thể chế. Nội dung này đã tiến hành trong năm 2017 và có những thành tích đáng kể, đồng thời sẽ tiếp tục trong năm 2018, nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở, cá nhân tổ chức sản xuất nông sản an toàn. Tổ chức sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Năm 2018, Bộ NNPTN đang trình Chính phủ xem xét ban hành 2 nghị định quan trọng là Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và Nghị định về phát triển HTX. Các nghị định này sẽ là cơ sở  cho người dân và doanh nghiệp có hành lang pháp lý để sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra để xử lý vi phạm. Tăng cường thanh tra và kiểm tra, nhân rộng chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn trên phạm vi rộng.

“Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, với việc nhiều chủng loại thực phẩm sẽ tăng mạnh, bao gồm cả sản phẩm nội địa và xuất khẩu, Bộ NNPTNT sẽ tăng cường 2 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và tăng cường thông tin truyền thông. Với việc thông tin truyền thông, Bộ sẽ chỉ đạo ngành dọc, đẩy mạnh tuyên truyền vận động người sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản tuân thủ quy định về vệ sinh ATTP, không vì nhu cầu gia tăng ngày Tết mà sử dụng nguyên liệu không đảm bảo. Đẩy mạnh thông tin truyền thông để giới thiệu quảng bá sản phẩm, cơ sở sản xuất an toàn. Tăng cường thông tin hướng dẫn sử dụng sản phẩm an toàn. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra với những cơ sở sản xuất tiêu dùng sản phẩm nhiều trong ngày tết như giò, chả, nem, thủy sản chế biến” – ông Tiệp cho hay.

Theo Nafiqad, thị trường xuất khẩu cũng đã tháo gỡ được nhiều rào cản kĩ thuật, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả năm đạt 36,3 tỷ USD. Có 62 cơ sở chế biến cá tra của Việt Nam được phép tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ; Trung Quốc công nhận bổ sung 15 cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam được xuất khẩu tôm sống vào nước này; duy trì xuất khẩu thủy sản vào Panama; Mỹ, Úc, Nhật Bản mở cửa thị trường bổ sung cho một số loại trái cây của Việt Nam...