Dân Việt

Thông điệp năm mới 2018: Chào đón năm mới với "mâm cỗ Tết an toàn"

Nguyễn Lê (ghi) 01/01/2018 06:05 GMT+7
An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng bỏng được đặt ra vào mỗi dịp cuối năm, đó là làm thế nào để kiểm soát và ngăn chặn được các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn? Các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp đã đưa ra những giải pháp để người dân có được bữa ăn an toàn.

img

Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NNPTNT: Chuyển từ chủ động, báo trước,sang thanh tra đột xuất

Trong năm 2017, lĩnh vực thanh tra chuyên ngành nhằm phát hiện các vụ vi phạm về ATTP đã chuyển dần từ thanh tra chủ động, báo trước sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các lĩnh vực như kiểm tra nước mắm, tiêm vào lợn thuốc an thần, tạp chất bơm vào tôm. Ngoài ra, phát hiện  hàm lượng thuốc BVTV cao ở các nông sản...

Nhờ triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, thanh tra kiểm tra chuyên ngành nhằm phát hiện các vụ vi phạm về ATTP đã có hiệu quả rõ nét.  Đặc biệt, năm 2017, qua thanh tra kiểm tra, chất cấm salbutamol đã không còn. Nếu năm qua, các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật, và sức răn đe chưa cao thì từ 1.1.2018 những hành vi liên quan đến nông nghiệp sẽ bị xử lý hình sự và có sự vào cuộc mạnh tay của các cơ quan chức năng có liên quan.

img

 Thanh tra Bộ NNPTNT và công an phối hợp kiểm tra tại một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi
ở TP.Hải Dương.  T.N

Trong dịp Tết Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân năm 2018, đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các lễ hội như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó, các đoàn kiểm tra của T.Ư và tuyến tỉnh tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại.

Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thanh tra, kiểm tra. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm các đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm theo từng lĩnh vực cụ thể và phát hiện, xử phạt với những trường hợp vi phạm.

img

Ông Bùi Hải Nguyên - Đại diện Cục Chăn nuôi: Đầu tư sâu vào khâu giết mổ, chế biến, bảo quản

Hiện nay khâu bảo quản, sơ chế, chế biến phần lớn chưa đáp ứng quy định, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh ATTP, nhất là tại các cơ sở giết mổ, các cơ sở sơ chế nội tạng, chế biến mỡ động vật. Trong đó, có đến 76% số lượng thịt lợn được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ với điều kiện vệ sinh kém; rau, quả, thịt, thủy sản là thực phẩm tươi sống nhưng phần lớn chưa có nhãn, mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ.

Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm, các cơ quan chức năng gặp khó truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và xử lý đối tượng vi phạm. Đây cũng là bất cập khiến người tiêu dùng chưa nhận biết được đâu là sản phẩm an toàn, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ nơi đã được chứng nhận đủ điều kiện ATTP…

Giải pháp mà chúng tôi đưa ra trong công tác quản lý và chỉ đạo sản xuất các địa phương và công tác phối hợp với cơ quan liên quan, Cục Chăn nuôi có đưa ra một số đề xuất là cần thu hút đầu tư khối doanh nghiệp, tư nhân vào những lĩnh vực như giết mổ, chế biến, bảo quản. Đây vẫn là những khâu vẫn còn yếu.

Hỗ trợ để huy động nguồn lực xã hội, xây dựng điểm phân phối thịt cấp đông ở cả thành phố và nông thôn. Tăng cường thông tin thay đổi thói quen tiêu dùng thịt tươi của người tiêu dùng, tự bảo vệ sức khỏe của mình thông qua tiêu dùng sản phẩm an toàn và chất lượng.

img

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Nafiqad (Bộ  NNPTNT): Người tiêu dùng hãy thể hiện tiếng nói của mình

Sau nhiều năm kiên trì, tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, Bộ NNPTNT đã phát triển được các chuỗi thực phẩm an toàn. Người tiêu dùng có thể tìm thấy thông tin, địa chỉ các chuỗi này trên trang web của Sở NNPTNT, Sở Công thương các tỉnh thành. Ngoài ra tại trang web của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, trên Báo điện tử Dân Việt (chuyên mục Địa chỉ xanh) và trên các kênh truyền hình phát chương trình nông nghiệp sạch cũng đăng tải…

Người dân cần tỏ thái độ rõ ràng trong việc lựa chọn thực phẩm, trong đó có việc tẩy chay những thực phẩm không đạt chuẩn cùng những người và tổ chức liên quan chính là một phương cách quan trọng để có tiếng nói quyết định của mình với thị trường thực phẩm, từ đó thực phẩm bẩn sẽ tự nó “khai tử”. Người dân cũng cần lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng thực thi có trách nhiệm chức năng của mình. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với sản phẩm do mình sản xuất, bởi chỉ có làm ăn chân chính mới là con đường vững chắc nhất để chinh phục thị trường.

img

Ông Hoàng Trọng Thủy - Chuyên gia nông nghiệp: Tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn còn rất manh mún và nhỏ lẻ nên chưa thể kiểm soát được đầu ra. Trong đó vai trò cộng hưởng của người sản xuất và tiêu dùng trong giám sát lẫn nhau còn kém. Người sản xuất, người tiêu dùng chưa bảo vệ được quyền lợi của mình, tiếng nói của mình. Cả hai bên vẫn trong tâm thế hòa cả làng, hữu khuynh cả tổng.

Về các giải pháp, trước hết là các cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra các quy chuẩn, quy trình với những nông sản chủ lực. Thông qua hệ thống khuyến nông, chuyển từ hộ sản xuất đơn lẻ sang nhóm hộ, từ sản xuất đơn lẻ sang chuỗi giá trị. Không chỉ đi theo một khâu mà phải là một chuỗi kĩ thuật từ chăn nuôi, sản xuất tới chế biến tiêu thụ.

Phải đào tạo tập huấn cho những người sản xuất, bao gồm tổ nhóm HTX, đặc biệt là những đơn vị có nông sản lớn đã tung ra thị trường, các  đơn vị gần các khu đô thị lớn, khu công nghiệp. Họ sẽ là chủ lực của vùng miền, tạo ra các vệ tinh đảm bảo về mặt vệ sinh ATTP.