Sáng 28.12, tại cung Văn hóa Lao động đã diễn ra buổi họp báo ra mắt giải Bóng đá Sinh viên TP.HCM Cúp Vinaphone 2017. Bất ngờ hơn cả là sự hiện diện của quyền chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh. Đội bóng Sài thành là một trong những đơn vị tham gia tài trợ giải năm nay.
Điều này khiến không ít người cảm thấy ngạc nhiên. Tại sao Công Vinh lại quyết định se duyên cùng giải bóng đá sinh viên? Câu trả lời đã được chính chân sút số 1 của làng bóng quốc nội 10 năm qua chia sẻ trong cuộc nói chuyện ra mắt giải.
Quyền chủ tịch CLB TP HCM Lê Công Vinh.
Công Vinh cho biết: “Đồng hành cùng giải sinh viên 2017, đó là trách nhiệm của CLB TP.HCM. Chúng tôi mong muốn đưa bóng đá đến gần hơn với các bạn sinh viên. Thông qua giải đấu thường niên này, CLB TP.HCM muốn nhìn thấy tiềm năng từ nguồn cầu thủ tham gia thi đấu.
Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ cử tuyển trạch viên đến theo dõi tất cả các trận đấu của các trường Đại học, Cao đẳng và Học viện. Nếu phát hiện những em nào có khả năng thi đấu chuyên nghiệp, CLB sẽ trực tiếp đàm phán, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ và mời về đội bóng”.
Tham vọng này của Công Vinh thực ra không quá mới mẻ. Trong quá khứ, rất nhiều đội bóng đóng quân trên địa bàn TP.HCM hoặc V.League đã thử tìm kiếm nguồn cung cầu thủ bằng con đường này. Và nhiều trong số đó đã thành công khi phát hiện những “hạt ngọc trong đá” đúng nghĩa.
Đơn cử như như Lưu Ngọc Hùng, Nguyễn Ngọc Thanh (ĐH DL Kỹ thuật Công Nghệ), Hoàng Hải Dương, Lê Đức Lộc, Nguyễn Hải Anh (ĐH TDTT TW 2) và hàng loạt những cái tên khác đã có cơ hội trải nghiệm bầu không khí bóng đá chuyên nghiệp nhưng không thành công.
Từng thi đấu cùng thời với những anh tài nói trên, Công Vinh rõ ràng hiểu được “tiềm năng” sáng sủa của làng bóng sinh viên quốc nội. Để củng cố quan điểm của mình, anh không quên nhắc lại câu chuyện về những tài năng túc cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc trưởng thành từ giảng đường.
Anh chia sẻ: “Tôi cho rằng việc tìm kiếm tài năng bóng đá từ môi trường học đường không phải là quá xa vời. Chúng ta hãy nhìn sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ có hệ thống những giải đấu sinh viên hàng đầu, hoạt động chuyên nghiệp hệt như giải VĐQG.
Từ sự bài bản này, các quốc gia này đã sản sinh ra những đội tuyển sinh viên rất mạnh. Đơn cử như Sinh viên Hàn Quốc có thể thi đấu ngang ngửa với ĐTQG Việt Nam. Hay cựu cầu thủ Manchester United Shinji Kagawa từng là sinh viên tại một trường ĐH của Nhật Bản.
Tôi từng sang Nhật Bản nên nắm rõ, ở tất cả các giải sinh viên của họ đều có sự theo dõi từ đội ngũ tuyển trạch từ các CLB chuyên nghiệp hạng 1, 2, 3 phái đến. Với những cầu thủ có đủ khả năng, sẽ được ký hợp đồng chuyên nghiệp. Tuy nhiên cuối mùa, các em sẽ lại đến trường để hoàn tất chương trình học và thi lấy bằng.
Và như vậy, chúng ta vừa được thi đấu chuyên nghiệp vừa có bằng Đại học. Tôi nghĩ đây là hướng đi tốt mà các bạn trẻ nên suy nghĩ tới. Sau khi giải nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một doanh nhân hoặc yên tâm theo đuổi một nghề nghiệp nào đấy.
Giải bóng đá Sinh viên TP.HCM chính là nơi chắp cánh cho những ước mơ ấy. Chúng ta cùng nhau rèn luyện thể thao, tăng cường sự đoàn kết các trường Đại học, xây dựng tinh thần thể thao cao thượng và đứng trước cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp”.
Theo tiết lộ của quyền chủ tịch CLB TP.HCM, đội bóng sẽ tiếp tục đồng hành cùng giải bóng đá sinh viên này trong các năm sắp tới. Và mục tiêu của anh là xây dựng nó trở nên hoành tráng, chất lượng và ngày càng được nhiều người biết đến hơn theo từng năm tháng.