Tác phẩm "Mãnh xà tranh hùng" của nghệ nhân Tạ Văn Đỡ được trưng bày tại gian hàng của Hội sinh vật cảnh tỉnh Bình Định, tại Hội chợ triển lãm cây cảnh quốc tế năm 2017, nằm trong khuôn khổ của Festival hoa Đà Lạt lần thứ 7 năm 2017.
Tác phẩm mang hơi hướng của phong cách Bonsai hiện đại theo trường phái của Nhật Bản. Theo ông Đỡ cho biết, dúi là loại cây sống chủ yếu ở miền Trung, đặc biệt thích hợp với khí hậu nhiệt đới.
Ông Tạ Văn Đỡ bên cây dúi 200 tuổi của mình. "Tôi chơi cây cảnh đến nay đã được 40 năm, bắt đầu từ năm tôi 1977, khi đi qua nhà bác hàng xóm chơi, thấy người ta uốn cây đẹp quá đâm ra mê rồi xin học luôn". Ông Đỡ cho hay. Ảnh: Văn Long.
Ông Tạ Văn Đỡ cho biết, cây dúi với tên "Mãnh xà tranh hùng", tức là hai con rắn đang đánh nhau, với bộ rễ cây to, khỏe và quấn vào nhau, làm cho người xem liên tưởng như hai con rắn đang lồng lộn quấn vào nhau. Ảnh: Văn Long.
Bộ rễ của cây rất to khỏe nhưng lại là những đường cong, tựa như hai con rắn quấn lấy nhau để thể hiện sức mạnh của mình. Cây dúi được ông Tạ Văn Đỡ sưu tầm ở Phú Yên, từ một người bạn, do ông Đỡ nhiều lần hỏi, thấy tâm huyết nên người bạn của ông đã chuyển nhượng lại. Ảnh: Văn Long.
Cận cảnh phần tán của cây dúi, ông Tạ Văn Đỡ đã chủ động để tán lộ ra bộ xương, bởi cây dúi đẹp ở bộ xương, nếu để ra lá cây sẽ mất giá trị. Với bộ tán hoàn thiện như hiện tại ông Đỡ đã mất khoảng 10 năm để hoàn thành. Ảnh: Văn Long.
Bộ gốc của cây có nhiều hang hốc và sẹo, làm tăng lên độ cổ kính, từng trải qua thời gian, sương gió của cây 200 năm tuổi. Ảnh: Văn Long.
Một khách hàng giấu tên đang xem cây dúi cổ thụ và ngỏ ý muốn mua với giá 200 triệu nhưng ông Tạ Văn Đỡ chưa có ý bán vì có nhiều kỉ niệm với cây. Cây đã từng đạt huy chương vàng tại Hội chợ triển lãm Sinh vật cảnh Quy Nhơn - Bình Định năm 2013. Ảnh: Văn Long.
Phần chuyển tiếp giữa tán và thân cây được chủ nhân tạo dáng giống như đầu của một con rắn, tạo cảm giác chân thật cho người xem, xứng với cái tên của chủ nhân đặt "Mãng xà tranh hùng". Ảnh: Văn Long.