Dân Việt

5 điểm khác nhau giữa Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ

Mai Đại (tổng hợp) 02/01/2018 15:00 GMT+7
Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ là những lực lượng thiện chiến và tinh nhuệ nhất thế giới. Tuy nhiên, dù có nhiều điểm giống nhau, bộ binh (thuộc Lục quân) và lính thủy đánh bộ (thuộc Thủy quân lục chiến) vẫn là 2 lực lượng riêng biệt.

Tổ chức Trung đội

img

Về cách tổ chức chung, các trung đội của Lục quân và Thủy quân lục chiến có nhiều điểm tương đồng: được cấu thành bởi các tiểu đội, là 1 phần của đại đội, hoạt động dưới sự chỉ huy của đại đội và tiểu đoàn trưởng. Ngoài thành phần chính là binh sĩ súng trường, các trung đội của cả 2 quân chủng này đều có lực lượng thông tin, quân y và được bổ sung các khí tài như rocket hay súng cối khi cần thiết.

Tuy nhiên, trung đội Lục quân và trung đội Thủy quân lục chiến có cách tổ chức bên dưới khác nhau. Cụ thể, trung đội của Thủy quân lục chiến sẽ bao gồm 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội lại được cấu thành bởi 3 tổ. Các tổ này thường có 1 chỉ huy mang súng trường M16 gắn súng phóng lựu M203, một binh sĩ súng máy (thường gọi tắt là súng máy), một binh sĩ súng máy hỗ trợ (súng máy hỗ trợ) và một binh sĩ súng trường (súng trường). Đứng đầu các tiểu đội và trung đội Thủy quân lục chiến lần lượt là hạ sĩ và trung sĩ.

Trong khi đó, trung đội của Lục quân có cấu trúc gọn hơn: có ít tiểu đội hơn và mỗi tiểu đội chỉ bao gồm 2 tổ, mỗi tổ 4 người. Một tổ sẽ bao gồm 1 chỉ huy, 1 súng máy, 1 súng phóng lựu và 1 súng trường. Ngoài ra, các trung đội của Lục quân còn được bổ sung thêm 1 tiểu đội vũ khí bộ binh, mang theo súng máy M240B và các hệ thống tên lửa chống tăng Javelin. Đặc biệt, khác với Thủy quân lục chiến, mỗi tiểu đội Lục quân sẽ có thêm 1 xạ thủ bắn tỉa. Về mặt lãnh đạo, chỉ huy tiểu đội thường là trung sĩ hoặc thượng sĩ.

Vũ khí

img

Lục quân thường có vũ khí hiện đại, mới hơn Thủy quân lục chiến. Không chỉ vũ khí chính, các thiết bị hỗ trợ, nâng cấp như như ống ngắm quang học, đèn laser hay tay cầm mới cũng sẽ tới tay bộ binh trước. Thông thường, Thủy quân lục chiến sẽ nhận vũ khí mới khoảng vài năm sau Lục quân.

Hỏa lực hỗ trợ

img

Các đại đội Lục quân và Thủy quân lục chiến đều nhận được hỏa lực hỗ trợ từ súng cối, súng máy hạng nặng, rocket và tên lửa từ tiểu đoàn của mình. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa 2 quân chủng này nằm ở hỗ trợ pháo binh và hàng không.

Theo đó, lính thủy đánh bộ sẽ có hỗ trợ hỏa lực pháo binh, hàng không và hàng hải từ 1 đơn vị viễn chinh của mình. Ngược lại, bộ binh thuộc các lữ đoàn chiến đấu sẽ phải nhờ cậy các đơn vị khác nếu muốn nhận được hỗ trợ hỏa lực hàng không hoặc hàng hải. Hỏa lực này có thể đến từ các lữ đoàn hàng không chiến đấu hay Không quân, Không quân Hải quân.

Chuyên môn

img

Thủy quân lục chiến thường phân loại binh sĩ của mình theo hệ thống vũ khí và chiến thuật. Binh sĩ có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như súng trường, súng máy, súng cối, tấn công/phá hủy/xâm nhập hoặc tên lửa chống tăng. Tuy nhiên, hầu hết lính thủy đánh bộ sẽ đều được huấn luyện tấn công đổ bộ. Trong khi đó, bộ binh thường chọn hoặc được phân công dựa trên địa hình chiến đấu hoặc các chuyên môn đặc biệt như nhảy dù, biệt kích, sơn cước hoặc cơ giới.

Huấn luyện tinh nhuệ

img

Các lính thủy đánh bộ nếu muốn phát triển bản thân có thể tham gia các khóa huấn luyện để có thể trở thành trinh sát bắn tỉa, lính do thám hay tình báo Thủy quân lục chiến.

Trong khi đó, bộ binh lục quân có thể hướng tới việc trở thành lính nhảy dù, lính đặc nhiệm và bắn tỉa.