Nhắc đến Nhật Bản, những cụm từ như “sạch sẽ”, “văn minh”, “kỷ luật”, “đúng giờ”, “công nghệ”… sẽ ngay lập tức đến ngay trong tâm trí của người từng du lịch nơi đây.
Bắt đầu với…nhà vệ sinh. Từ sân bay Tokyo Haneda cho đến một nhà vệ sinh công cộng ven đường, tất cả đều rất sạch sẽ, hiện đại với nhiều… nút bấm. Nhật Bản tiên tiến với công nghệ phát triển được thể hiện rõ nhất ở đây, khi mà từng nhà vệ sinh đều được trang bị đầy đủ và tự động để đảm bảo mọi nhu cầu của người dùng đều được thoả mãn. Bên cạnh đó, hình thức tắm grand bath (tắm công cộng) cũng rất được mọi người, không chỉ người dân Nhật Bản mà cả những khách trải nghiệm ưa chuộng.
Ở ngoài xã hội bạn có thể là giám đốc, công nhân, thị trưởng, nhưng khi vào trong phòng tắm này, mọi người đều bình đẳng, vì tất cả đều không mặc gì và tắm chung. Những nơi đông người như khách sạn thường có 3 khu để khách tùy ý lựa chọn: một khu cho nữ, một khu cho nam và một khu có thể tắm chung cả nam lẫn nữ. Bạn lấn cấn về vấn đề vệ sinh khi tắm chung như vậy? Đừng lo, bởi trước khi bước xuống bể tắm chung để ngâm người, mỗi người đều phải tắm rửa sạch sẽ mới được xuống.
Phòng grand bath được xây trong phòng kín, kèm theo phòng tắm và phòng sauna (xông hơi). Tắm grand bath là một hình thức tắm cổ truyền phổ biến ở Nhật bởi họ quan niệm sau một ngày làm việc, tắm grand bath sẽ giúp máu được lưu thông tốt và giúp giấc ngủ sâu hơn.
Với những người tham gia chương trình này, tắm grand bath cũng là khoảng thời gian được tâm sự với nhau, từ đó trao đổi với nhau những câu chuyện về quê hương đất nước con người, một hình thức tìm hiểu nhau và học về văn hoá của nhau rất tự nhiên và chân thật. Khi về nước, một trong những điều mà cá nhân tôi cũng như nhiều người bạn khác lưu luyến nhất là những giây phút được ngâm mình trong nước nóng nghỉ ngơi và kể cho nhau nghe những câu chuyện rất đời, rất người.
Tiếp đến là việc đảm bảo vệ sinh ở Nhật. Kỳ lạ là không hề dễ dàng cho bất cứ ai mong muốn tìm một thùng rác nào ở trên đường phố Nhật, nhưng tuyệt nhiên không một chút rác thải nào, dù chỉ là một túi nilon nhỏ được xả bừa bãi trên đường. Đến đây, chắn hẳn sẽ có nhiều người nghĩ đến ý thức và kỷ luật mà mỗi người Nhật có trong mình. Có lẽ đúng vậy, vì tôi đã được chứng kiến người bạn Nhật đi cùng tôi mang một chiếc vỏ kẹo và một vỏ hộp sữa mà cô đã sử dụng xong đi một đoạn đường dài bên mình, cho đến khi chúng tôi về nhà có thùng rác cô mới vứt bỏ, dù lúc đó cô tay xách nách mang nhiều túi đồ khác.
Trải nghiệm văn hóa bản địa
Mỗi một thành viên tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) đều được đưa về một gia đình nuôi với một thành viên nước khác để đảm bảo tiêu chí giao lưu văn hoá. Tôi được về một gia đình gồm có 7 thành viên với 3 thế hệ: ông bà, bố mẹ và 3 người con gái. Ngay từ những phút giây gặp mặt đầu tiên, tôi đã được bố mẹ nuôi niềm nở chào đón.
Món mì nổi tiếng của Nhật Bản.
Gia đình tôi ở tỉnh Fukui, miền trung nước Nhật, không ồn ào hay sáng rực đèn về đêm như Tokyo. Lúc đó khoảng 7h tối, đường phố rất vắng vẻ, bố mẹ và em gái nuôi đến đón tôi và một bạn người Sing về nhà. Trên đường lái xe ô tô về nhà, mẹ nuôi giới thiệu với giọng vừa hồ hởi vui vẻ vừa trìu mến: “Vậy là từ hôm nay mẹ có năm người con gái: ba người con mà mẹ đã sinh ra và nuôi lớn, và hai đứa các con, một Việt Nam, một Singapore”. Đó là cảm giác ấm áp ở nơi xứ người mà tôi không bao giờ quên được.
Về đến nhà, mẹ chuẩn bị nước nóng và phòng ngủ cho chúng tôi, chăm lo đến từng cái gối, từng chiếc khăn mặt.
Những ngày sau đó, bố mẹ và các chị em gái dạy chúng tôi cách nấu các món ăn hàng ngày của Nhật, cách làm một bữa sáng cơ bản của Nhật ra sao, nấu miso như thế nào, chuẩn bị món tempura cần những nguyên liệu gì. Ông nuôi tôi là một nghệ nhân, cũng là một hoạ sĩ, nên trong nhà cây cối bonsai đều được ông tỉa tót chăm chút cẩn thận, những bức hoạ trong nhà cũng đều do ông vẽ, đẹp và vô cùng thân thương. Một điều thú vị mà tôi được trải nghiệm đó là việc vượt qua rào cản ngôn ngữ.
Những người Nhật Bản rất thân thiện.
Gia đình nuôi của tôi không sử dụng tiếng Anh một cách trôi chảy mà cả tôi và bạn gái người Sing kia cũng đều không thành thạo tiếng Nhật nên chủ yếu chúng tôi giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ hình thể, thậm chí là vẽ ra để có thể hiểu được nhau. Nhưng điều này lại giúp cho chúng tôi tăng thêm tính nhạy với ngôn ngữ, tự học hỏi và tìm ra nhiều cách khác nhau để giao tiếp và hiểu nhau hơn, từ đó gắn kết hơn. Dù chỉ ở bên nhau có ba ngày nhưng trọn đời tôi đã có thêm một gia đình mới, để tôi biết rằng chỉ cần sang Nhật, tôi sẽ luôn có một nơi để trở về.
Chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) 2017 vừa kết thúc. Chương trình năm nay cập cảng tại 5 quốc gia (Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia). |