Đây là một trong những nội dung quan trọng, do đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội trình bày tại hội nghị giao ban quý IV, do Ban Chỉ đạo chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020” (gọi tắt là Chương trình 02) của Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều nay 5/1, với sự chủ trì của bà Ngô Thị Thanh Hằng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng ban chỉ đạo.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội phát biểu tại Hội nghị giao ban chiều ngày 5/1. Ảnh: M.H
Đã có nơi người dân đạt thu nhập hơn 2.290 USD/năm
Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong năm 2017 tổng giá trị sản xuất nông, lâm thuỷ sản của thành phố ước đạt hơn 35.000 tỷ đồng, tăng 2,33% so với năm 2016. Trong đó, trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 44,4% trong cơ cấu giá trị sản xuất, chăn nuôi thuỷ sản chiếm trên 52%, dịch vụ hiện chỉ chiếm 3,04%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đến nay đã đạt 25% (tức bằng 71,43% so với kế hoạch năm 2020), với 155 mô hình.
Đáng chú ý nhất là trong xây dựng NTM, thành phố đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Trong đó năm 2017 TP đã có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM, như vậy đến nay TP đã có 4 huyện đạt chuẩn NTM gồm Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức.
Tính đến hết năm 2016, toàn TP có 255 xã đạt chuẩn NTM. Hiện Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định TP đã tiến hành thẩm định 45 xã/14 huyện, thị xã trong đó có 39 xã đủ điều kiện trình hội đồng thẩm định xét công nhận đạt chuẩn xã NTM năm 2017.
Trong số 92 xã chưa đạt chuẩn còn lại, cũng không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí, trong đó có 61 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 – 18 tiêu chí.
Từ năm 2016 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm mạnh, từ 3,65% (năm 2016) giảm xuống còn 2,57%. Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo rất thấp như Quốc Oai 0,48%, Gia Lâm 1%, Thanh Trì 1,41%, Đông Anh 1,57%...
Đáng chú ý là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn tăng nhanh, đến hết năm 2017 đã đạt 38 triệu đồng/người/năm. Trong đó một số địa phương có thu nhập cao, tương đương trên 2.200 USD/người/năm như: Thạch Thất 52 triệu đồng, Đông Anh 47 triệu đồng, Hoài Đức 42,5 triệu đồng, Gia Lâm 41,2 triệu đồng…
"Chúng tôi đi thăm các mô hình, hỏi han nông dân thấy bà con rất phấn khởi, đặc biệt là nhờ hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư mà đã có nhiều nông dân được làm công nhân cho doanh nghiệp với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng - điều vô cùng phấn khởi" - bà Ngô Thị Thanh Hằng cho biết.
Hội nghị giao ban quý IV của Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội, do bà Ngô Thị Thanh Hằng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng ban chỉ đạo. Ảnh: M.H
Huy động hơn 17.000 tỷ đồng cho NTM
Ông Nguyễn Huy Đăng cũng cho biết, để đạt được những con số trên, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU đến hết năm 2017 đạt trên 17.110 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP chiếm hơn 7.570 tỷ, chiếm 44,2%, ngân sách huyện hơn 7.400 tỷ… Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước đạt 726,5 tỷ đồng, chiếm 8,1%, chủ yếu là vốn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, xã hội hoá…
Hoài Đức đã được công nhận là 1 trong 4 huyện đạt chuẩn NTM của TP.Hà Nội. Ảnh: I.T
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM, còn trông chờ ỷ lại cấp trên. Một số địa phương chưa cập nhật kịp thời quy định mới của T.Ư và TP về nâng chất các tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, như huyện Mê Linh, Đông Anh.
Nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, việc thu hút các nguồn lực khác còn hạn chế; công tác đấu giá đất ở một số địa phương còn gặp khó khăn như huyện Ba Vì, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Phú Xuyên… Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, đồng bào dân tộc còn thấp, không ổn định, tỷ lệ hộ nghèo còn cao như Ba Vì 4,8%, Mỹ Đức 4,24%, thị xã Sơn Tây 3,17%...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban, bà Ngô Thị Thanh Hằng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 biểu dương các địa phương đã đạt được các kết quả cao, đồng thời khẳng định: Mặc dù ngân sách TP đang còn nhiều khó khăn nhưng trong năm 2018, vốn đầu tư cho Chương trình 02 sẽ không giảm, với mục tiêu TP sẽ đạt được nhiều thành quả quan trọng hơn nữa, đặc biệt là góp phần cải thiện nhanh chóng đời sống và thu nhập của người dân vùng nông thôn.
"Thực tế cho thấy, thành tích các địa phương đã đạt được là rất đáng tự hào, trong đó nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn thấp hơn cả bình quân chung thành phố như Gia Lâm, Quốc Oai… Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, điều này chỉ cần nhìn thấy là cảm nhận được ngay, đường làng ngõ xóm được xây dựng khang trang, sạch đẹp, các huyện đều quan tâm xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia... Đây là những điểm nhấn trong năm nay, để qua đó thấy rằng, sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các địa phương, nhân dân, Ban chỉ đạo các cấp, các đoàn thể… đã đem lại hiệu quả rõ rệt" - bà Hằng khẳng định.
Đã có 4 huyện đăng kí đạt chuẩn năm 2018 Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bà Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh trong năm 2018, TP cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp có trọng tâm, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tập trung đầu tư giống cây con có năng suất chất lượng cao, kiên trì xây dựng mô hình liên kết HTX- doanh nghiệp - nông dân từ sản xuất đến chế biến, bao tiêu sản phẩm, hướng tới không chỉ cung cấp nông sản thực phẩm cho thành phố mà còn các tỉnh thành khác và xuất khẩu, thu được giá trị cao. Năm 2018, phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM tăng thêm 26 xã. Chỉ tiêu TP giao là năm 2018 có 2 huyện đạt chuẩn, nhưng thực tế hiện đã có 4 huyện đăng ký đạt chuẩn NTM. Điều này là rất đáng hoan nghênh, nhưng chúng ta cũng vẫn đặt chỉ tiêu 2 huyện đạt chuẩn để làm chắc, thắng chắc chứ không nóng vội. Đối với những huyện, xã về sau, việc xây dựng NTM càng khó khăn hơn nên phải cố gắng gấp đôi so với trước, phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết cả về nguồn lực, triển khai để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu. |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện trên địa bàn có khoảng trên 91% số hộ gia đình ở khu vực nông thôn đã có tivi, 100% số xã có máy tính kết nối internet, hầu hết các hộ đều có điện thoại; 100% số trạm ý tế có bác sỹ công tác, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt hơn 86%. Trong công tác dồn điền đổi thửa, toàn thành phố đã thực hiện dồn đổi được hơn 78.551/76.281ha (đạt 103,2%). Diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa hơn 1.800ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng NTM. |