Bộ Tài chính chuyển Dự thảo tăng thuế đến Bộ Tư pháp để hoàn thành các bước trước khi đệ trình Chính phủ đưa ra Quốc hội trong năm 2018 này.
Vẫn không có gì thay đổi, hàng loạt khoản thế sẽ tăng, có thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mặt hàng đơn giản như: bánh kẹo, nước ngọt… Thuế môi trường lên đến 8.000/lít xăng.
Theo phương án, thuế môi trường sẽ lên tới 8.000 đồng/lít xăng.
Thuế Giá trị gia tăng VAT tăng theo từng năm để lên đến 12%, mỗi năm tăng 1%. Nghĩa là, 2018 nếu được thông qua, VAT sẽ là 11%, sang năm 2019 VAT sẽ là 12%.
Thuế Thu nhập cá nhân được trình theo 2 phương án: Phương án thứ nhất là thu 5% đối với cá nhân thu nhập mỗi tháng đến 10 triệu đồng. Thu 15% cho cá nhân thu nhập trên 10 đến 30 triệu đồng. Thu 25% đối với cá nhân thu nhập trên 30 đến 50 triệu đồng. Thu 30% đối với cá nhân thu nhập trên 50 đến 80 triệu đồng. Thu 35% đối với cá nhân thu nhập trên 80%.
Phương án thứ hai là thu 5% đối với cá nhân thu nhập mỗi tháng đến 5 triệu đồng. 10% cho cá nhân trên 5 đến 10 triệu đồng. 20% cho cá nhân thu nhập trên 10 đến 40 triệu đồng. 30% cho cá nhân thu nhập trên 40 đến 80 triệu đồng. 35% cho cá nhân thu nhập trên 80 triệu đồng.
Có thực tăng thuế VAT, người nông dân là ra mớ rau, con cá không ảnh hưởng? Ảnh: Ngọc Thọ
Sẽ có rất nhiều nguyên nhân được Bộ Tài chính đưa ra cho việc tăng thuế này, nhưng tất cả các nguyên nhân ấy đều không che lấp một hiện thực: “Tình trạng thất thoát ngân sách, thu không bù chi. Tiền thu xuất khẩu giảm, thu nội địa trở thành yếu tố sống còn của ngân sách”.
Trong các nguyên nhân ấy, dễ dàng nhận thấy rằng hạt nhân của một quốc gia là quyền lợi của nhân dân đã không được nhắc đến.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong cuộc họp mới nhất thừa nhận “Chưa có con đường nào làm tôi hài lòng”.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Thể vẫn cương quyết bảo vệ các trạm thu phí BOT trên tuyến Quốc lộ huyết mạch kéo dài từ Bắc đến Nam.
Nghĩa “Mặc dù không hài lòng nhưng vẫn phải trả phí dịch vụ”, điều này thật vô lý.
Câu chuyện tăng thuế cũng vậy.
Bất cứ một quốc gia nào muốn hoạt động cũng dựa trên yếu tố then chốt là thuế. Thuế để phát triển hạ tầng, để thúc đẩy kinh tế, để thực hiện các chính sách an sinh, để giáo dục tốt hơn, để môi trường tốt hơn, để y tế tốt hơn…
Trong bối cảnh hiện tại thuế ở nước ta phần nhiều dành để bù đắp cho các khoản hao hụt do sự yếu kém về quản lý, hoặc đó là kết quả của một quá trình kéo dài của các nhóm lợi ích nay đã bắt đầu vỡ ra, từ những khoản thậm thụt của tập đoàn Nhà nước cho đến những khoản chia chác trong xây dựng cơ bản, cơ sở hạ tầng.
Bộ máy hành chính cơ bản vẫn cồng kềnh.
Đó là chưa kể đến bộ máy hành chính phình to, phình cả biên chế, phình qua luôn lãnh đạo. Khắp nơi có lãnh đạo, người người làm lãnh đạo, các Vụ, Cục không ngừng được tăng thêm, các lãnh đạo không ngừng được bổ nhiệm, bế lên đặt vào ghế, “ẵm” lên đặt vào vị trí…
Sự minh bạch trong thu chi thuế cũng không được phổ biến rộng rãi, mà nếu có thì e rằng tính chính xác cũng là đều cần phải xem lại.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của Đảng trong công tác chấn chỉnh cán bộ, loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất, chống tham nhũng.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính tiếp tục trình dự thảo tăng thuế đang có nguy cơ chôn vùi niềm tin mới chớm hồi phục của nhân dân.
Bộ Tài chính đã chọn cách dễ dãi, cách không cần tư duy nhằm bù cho cơn hụt hơi thu chi.
Thay vì Bộ này phải tham mưu cho Chính phủ về sự tiết kiệm ngân sách, giám sát ngân sách, cải cách hành chính, giảm bớt sức ì của bộ máy, tinh giảm biên chế, bỏ bớt các cục, vụ hữu danh vô thực, bán cổ phần trong các tập đoàn Nhà nước và sử dụng số tiền này hiệu quả…
Làm tốt công tác này, mới tính đến chuyện huy động nguồn lực trong nhân dân để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
Có như vậy, Bộ Tài chính mới thật sự phát huy được vai trò của mình. Có như vậy, Bộ Tài chính mới hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình.
Còn cứ hụt thu chi lại tăng thuế, thì bất cứ ai cũng có thể làm Bộ trưởng Tài chính được.
Cuối cùng, “vĩnh bất gia phú”, một quốc gia muốn thịnh trị phải ghi nhớ mấy chữ này, bởi bất cứ sự tăng thuế nào cũng dẫn đến nhiều xáo trộn xã hội, kinh tế theo hướng tiêu cực.