Dân Việt

Bi hài du lịch vùng cù lao thời... hụt tổ chức Hoa hậu Thế giới

04/11/2011 16:44 GMT+7
(Dân Việt) - Khi đại gia Hoàng Kiều đòi tổ chức thi Hoa hậu Thế giới tại Tiền Giang, vùng đất cù lao Thới Sơn “sôi” lên sùng sục, giá đất tăng lên chóng mặt. Kế hoạch này không thành, hàng loạt bi hài xảy ra...

Chỉ mới cách đây một năm, người dân khắp vùng ĐBSCL náo nức trước thông tin những người đẹp chân dài từ khắp năm châu bốn biển sẽ đổ về cù lao du lịch nổi tiếng Thới Sơn thi Hoa hậu Thế giới. Cái cù lao 1.200ha nằm giữa sông Tiền bỗng chốc nổi tiếng...

img
Ở cù lao Thới Sơn bây giờ, lượng du khách còn ít hơn người làm du lịch.

Đất cù lao dậy sóng

Thới Sơn từ lâu đã là đầu cầu du lịch sông nước miệt vườn Nam Bộ nổi tiếng bởi cây trái ngọt lành đủ loại như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, cam, quýt, bưởi, nhãn... Người dân ở đây hiền hòa mến khách với nhiều loại hình du lịch sinh thái miệt vườn đặc sắc như tát mương bắt cá, thưởng thức dân ca, đàn ca tài tử...

Trước đây, Khu du lịch Thới Sơn được quản lý bởi Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang. Năm 2006, tổng thể khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn được định hình, chia thành 7 khu chức năng với diện tích khoảng 77ha. Từ khi cầu Rạch Miễu được thông xe, cù lao Thới Sơn nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư du lịch, bởi vùng đất này vừa là “cù lao”, vừa như đất liền bởi đi xe hơi vẫn có thể chạy khắp xã.

Năm 2007, đại gia Hoàng Kiều - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn RAAS (Mỹ) đột ngột xuất hiện ở cù lao Thới Sơn, cặp kè với vài cô hoa hậu, người mẫu thế giới tổ chức những đợt tặng quà từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Nhiều người dân Thới Sơn không hề biết mục đích của Hoàng Kiều là thông qua công tác từ thiện để khảo sát thực địa, nắm bắt tình hình của địa phương.

Năm 2009, đại gia Hoàng Kiều tuyên bố chắc như đinh đóng cột với các phương tiện thông tin đại chúng rằng, cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 sẽ được tổ chức tại Tiền Giang chứ không phải ở vùng biển xinh đẹp Nha Trang, Khánh Hòa. Thời điểm này, gia đình Hoàng Kiều đã "mua đứt" Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang và ông là Chủ tịch HĐQT công ty này.

Ông lý giải do toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ cuộc thi tại Khánh Hòa đều phải thuê nên chi phí rất lớn, trong khi đó công ty ông có cơ ngơi ở Thới Sơn nên muốn đầu tư để vừa khai thác du lịch lâu dài đem lại lợi nhuận cho công ty, vừa tổ chức thi hoa hậu, chi phí sẽ giảm rất nhiều. Thi hoa hậu ở đây, Tiền Giang vừa được “tiếng thơm”, dân chúng ĐBSCL vừa có cơ hội chiêm ngưỡng các “chân dài” quốc tế bằng xương bằng thịt.

Vỡ mộng ngắm chân dài tắm sông

Khi đại gia Hoàng Kiều cho trương lên tấm băng rôn bằng tiếng Anh mà dịch ra tiếng Việt có nghĩa là "Chào mừng Hoa hậu Thế giới 2010", đời sống của người dân cù lao Thới Sơn bắt đầu chao đảo. Việc đầu tiên mà đại gia Hoàng Kiều làm là... phá giá đất đai. Ông nói sẽ bỏ tiền túi ra mua thêm đất để xây dựng các công trình phục vụ cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới.

Trong lúc Chính phủ vẫn chưa có ý kiến gì về việc tổ chức thi hoa hậu thì UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Dự án "Khu du lịch sinh thái Thới Sơn" do Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang làm chủ đầu tư, nhằm mục đích tổ chức vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới vào cuối năm 2010. Giá đất tăng vọt lên 2-3 tỷ đồng/ha khiến nhiều người dân muốn bỏ luôn nghề trồng cây ăn trái, chỉ chực chờ chuyện... bán đất.

Đùng một cái, tháng 3.2009, sau khi vừa thâu tóm xong Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang, ông Hoàng Kiều lấy danh nghĩa công ty mua 2,3ha đất của ông Nguyễn Văn Tư ở cù lao Thới Sơn với cái giá 30 tỷ đồng, gây chấn động cả tỉnh.

Theo ông Tư Đàng, do lượng khách ngày càng thiếu hụt nên hoạt động du lịch trên cù lao Thới Sơn bây giờ đang ở giai đoạn thoái trào, nhiều cơ sở làm theo kiểu ăn xổi ở thì nên khách tới một lần rồi quên.

Gia đình ông Tư có các con định cư ở Mỹ, kinh tế khá giả trong khi ông bà Tư đã già, không có sức chăm sóc vườn cây. Ông Tư kể, khi ông Hoàng Kiều và lãnh đạo Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang tìm đến hỏi mua đất, ông dự định sẽ kêu bán 2 tỷ đồng/ha, nếu họ trả 1 tỷ đồng/ha cũng bán. Không ngờ ông Hoàng Kiều đưa luôn cái giá... 30 tỷ đồng! Khi hai vợ chồng ông Tư còn ngơ ngác thì ông Hoàng Kiều đề nghị đưa trước 12 tỷ đồng, số còn lại sẽ trả trong 5 tháng.

Đại gia Hoàng Kiều còn mua thêm hơn 17ha đất tại ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn (TP.Mỹ Tho) để xây dựng khu du lịch sinh thái phục vụ cuộc thi Hoa hậu Thế giới với giá trên trời, khiến dân cù lao lên cơn sốt tranh nhau bán đất để trở thành đại tỷ phú.

Cả cù lao không hề có một khách sạn nào có “sao” để phục vụ lưu trú, ông Hoàng Kiều đã cho công nhân xây dựng tốc hành 500 nhà nghỉ dạng bungalow theo kiến trúc dân dã Nam Bộ nhưng đầy đủ tiện nghi phục vụ thí sinh dự thi và quan khách. Chưa hết, ông còn cho xây nhà hàng gần 1.000 chỗ ngồi và sân khấu lớn 5.000 chỗ ngồi; khu mua sắm, triển lãm, spa...

Trong cái không khí "sôi sùng sục" như thế, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với nội dung Chính phủ đã đồng ý cho Khánh Hòa đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010. Hàng nghìn người dân Thới Sơn lúc này mới ngã ngửa khi báo chí thông tin nhiều hạng mục công trình của đại gia Hoàng Kiều tại Khu du lịch Thới Sơn được xây rầm rộ nhưng không hề có phép. Lúc này, ông Hoàng Kiều lại tuyên bố bỏ luôn 12 tỷ đồng đặt cọc và đề nghị trả đất cho ông Tư.

Èo uột du lịch miệt vườn

Theo ông Nguyễn Thế Lượng - Chủ tịch UBND xã Thới Sơn, trước khi ông Hoàng Kiều về Thới Sơn, người dân ở đây vẫn sống khỏe với nghề làm du lịch. "Vùng đất này được phù sa bồi đắp, quanh năm trái ngọt cây lành, hệ thống kênh rạch chằng chịt len lỏi vào từng nhà, người dân lại cực kỳ mến khách nên là một lợi thế lớn cho du lịch sông nước. Chúng tôi có gần 1.000 lao động tại địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch như đưa đò chèo, đò máy, buôn bán hàng lưu niệm, ẩm thực...

Trước khi có ông Hoàng Kiều, dân Thới Sơn sống thảnh thơi vừa làm vườn, vừa đón khách. Nhưng từ khi ông này thâu tóm công ty du lịch rồi bày ra đủ chuyện ở đây thì ngành du lịch chỉ còn biết... ngắc ngoải” - ông Lượng than.

Ngồi ở trụ sở UBND xã Thới Sơn chừng 15 phút, các vị lãnh đạo của xã này đều cho rằng đây là thời điểm èo uột nhất của du lịch sinh thái trên cù lao Thới Sơn. Để minh chứng, ông Lượng hướng dẫn chúng tôi đi gặp ông Tư Đàng (Nguyễn Văn Đàng), 65 tuổi, là người có thâm niên 20 năm làm du lịch sinh thái trên cù lao Thới Sơn. Ông Đàng là người sở hữu 2 cơ sở du lịch trên cồn.

Dẫn chúng tôi đi thăm “điểm uống mật ong vườn” không có bóng khách, ông Tư Đàng trầm ngâm nhớ về thời vàng son của du lịch miệt vườn Thới Sơn: "Hồi đó, Công ty Du lịch Tiền Giang còn của Nhà nước. Lượng khách lúc đó rất đông, mỗi ngày các cơ sở của tui đón 40 - 50 đoàn khách, thu nhập tới mấy chỉ vàng. Nhiều gia đình khác làm du lịch trên cù lao này cũng thu nhập khá cao nhờ lượng khách đông. Thời hoàng kim của chúng tôi kéo dài từ khoảng giữa những năm 90 cho tới năm 2007, khi ông Hoàng Kiều bắt đầu về đây "làm du lịch".

Tháng 3.2009, sau khi vừa thâu tóm xong Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang, ông Hoàng Kiều lấy danh nghĩa công ty mua 2,3ha đất của ông Nguyễn Văn Tư ở cù lao Thới Sơn với cái giá 30 tỷ đồng, gây chấn động cả tỉnh.

Sau khi thâu tóm Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang, ông Hoàng Kiều "đóng cửa" không đón khách vào Khu du lịch Thới Sơn, có khi cả tuần tôi chỉ đón được vài đoàn khách lẻ. Nói thiệt là chúng tôi đang định bỏ nghề".

Chị Sáu Minh - một "tài năng chèo xuồng" thâm niên hơn 20 năm ở cù lao Thới Sơn cười buồn: "Hồi chưa có ông Hoàng Kiều, du lịch ở đây "sung" lắm, mỗi ngày tui xuất bến 3 - 4 chuyến, tiền công rủng rẻng. Còn nay thì làm một tuần không bằng trước đây một ngày, lượng xuồng đưa rước khách đã giảm đi rất nhiều".

Tương tự, chị Tư Hiền - nghệ nhân đờn ca tài tử ở Thới Sơn cũng cho biết, nhóm đờn ca của chị có gần chục người nhưng cả ngày có khi tiếp không được chục khách. Nhiều nhóm đờn ca đã tự giải tán, có người về nhà làm vườn, có người thì đi nơi khác kiếm sống...