Làng “không ai thất nghiệp”
Đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông thoáng rộng dẫn vào thôn Xuân Hội, ông Đặng Ngọc Giáp – Phó Chủ tịch Hội ND xã Lạc Vệ phấn khởi giới thiệu về những dãy nhà cao tầng san sát, những công trình cộng đồng to đẹp của thôn, góp phần cùng xã Lạc Vệ cán đích nông thôn mới vào năm 2015.
Người dân Xuân Hội đang kiểm tra lần cuối sản phẩm thủ công làm từ mây tre đan. Ảnh: Thu Hà
Trong “bức tranh” tươi sáng ấy, vóc dáng của làng nghề mây tre đan nổi danh hàng trăm năm hiện lên đầy sức sống. Những chuyến xe chở nguyên vật liệu, hàng hóa thành phẩm tấp nập ra vào. Người dân hăng hái tham gia sản xuất.
“Nhờ không ngừng cải tiến mẫu mã phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và tìm hướng xuất khẩu nên nghề mây tre đan truyền thống ở Xuân Hội phát triển tốt. Hiện có tới 80% hộ dân trong thôn tham gia làm nghề. Tổng giá trị sản xuất đạt 30-40 tỷ đồng mỗi năm, chiếm khoảng 30% GDP toàn xã. Nhiều người gọi vui Xuân Hội là làng “không ai thất nghiệp” cũng vì lẽ đó”- ông Giáp tự hào.
Theo ông Giáp, mây tre đan là nghề truyền thống của thôn Xuân Hội, hầu hết người dân Xuân Hội đều biết làm mây tre đan. Đã có thời kỳ nghề mai một, nhưng với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền và người dân địa phương, những năm 1990 nghề được khôi phục và phát triển trở lại. Hiện thôn Xuân Hội có 2 doanh nghiệp, 3 HTX và 60 tổ sản xuất với tổng số hơn 700 hộ trong thôn tham gia làm nghề.
Mây tre đan Xuân Hội xuất ngoại
Nghề mây tre đan không kén lao động bởi bất kỳ ai, từ người già đến trẻ nhỏ nếu chăm chỉ cũng có thể học và đan được. Tuy nhiên, để làm ra các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu sang thị trường quốc tế, tạo được sự tín nhiệm và ưa thích của người tiêu dùng thì ngoài tay nghề khéo léo, kỹ thuật cao còn phải luôn sáng tạo được những mẫu mã riêng biệt.
Hiện, hơn 80% hộ dân trong thôn Xuân Hội tham gia làm nghề mây tre đan. Ảnh: Thu Hà
"Hiện có tới 80% hộ dân trong thôn Xuân Hội tham gia làm nghề mây tre đan. Tổng giá trị sản xuất đạt 30-40 tỷ đồng mỗi năm, chiếm khoảng 30% GDP toàn xã”. Ông Đặng Ngọc Giáp - |
Nghệ nhân Đặng Ngọc Quyết là điển hình trong việc đưa sản phẩm làng nghề mây tre đan thôn Xuân Hội “xuất ngoại”. Trước đây, ông từng đi buôn ở nhiều tỉnh thành. Cuộc sống nay đây, mai đó dù đem lại thu nhập nhưng không ổn định khiến ông luôn trăn trở. Sẵn hiểu biết về nghề truyền thống, năm 2009 ông quyết định về quê lập nghiệp.
“Những ngày đầu, tôi đến Hà Tây (cũ) học hỏi thêm cách đan hàng, sau đó truyền đạt cho một số người trong thôn và thành lập HTX mây tre đan với số vốn chỉ hơn chục triệu đồng. Để có đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi đi chào hàng ở các công ty xuất nhập khẩu. Có đơn hàng thì vay tiền, vận động anh em trong HTX góp vốn...” - ông Quyết nhớ lại.
Thấy chưa thu hút được những đơn hàng lớn do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được thị hiếu khách hàng, HTX đầu tư thêm máy móc thực hiện các công đoạn như: Cạo tinh, chẻ nan, cắt, rửa mốc, phun dầu… Người dân chỉ cần nhận nguyên vật liệu đã sơ chế và làm theo mẫu. Toàn bộ sản phẩm được công ty thu mua với giá hợp lý. Năm 2011, HTX được nâng cấp thành Công ty TNHH Mây tre đan xuất nhập khẩu Ngọc Quyết.
Hiện tại, Công ty TNHH Mây tre đan xuất nhập khẩu Ngọc Quyết có hơn 1.500 lao động làm tại nhà, thời kỳ cao điểm lên đến gần 2.000 lao động (trong đó có những lao động làm cả ngày, có lao động chỉ tranh thủ thời gian rảnh rỗi trong ngày). Sản phẩm hiện tại chủ yếu là các loại giỏ đựng hoa quả xuất khẩu sang các nước Nga, Đài Loan, Ukraine, Hàn Quốc...
Bà Nguyễn Thị Mến (54 tuổi), công nhân tổ sản xuất của công ty cho biết thêm: “Tôi làm việc tại công ty hơn 7 năm nay với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Tôi thấy công việc đan mây tre này không nặng nhọc, tận dụng được thời gian rảnh rỗi nên rất phù hợp với lứa tuổi trung niên, người già mà lại cho thu nhập ổn định. Nếu như không có công việc này, chúng tôi chỉ biết trông vào mấy sào ruộng chứ không thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.