Ði dọc quốc lộ 12 từ xã Mường Mươn đến thị trấn Mường Chà, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy 3 cơ sở thu mua, bãi phơi cây cẩu tích-cây cu li đã qua sơ chế nằm ngay ven đường. Anh Vũ Văn Quyền, chủ cơ sở thu mua và chế biến cu li Quyền Hường, tổ dân phố 1, thị trấn Mường Chà, cho biết: Ðược sự ủy quyền của chủ rừng ở xã Ma Thì Hồ, khoảng hơn 10 ngày nay, cơ sở của gia đình anh Quyền đã tiến hành thu mua và sơ chế cây cu li. Trung bình mỗi ngày, cơ sở thu mua từ 1 - 2 tấn cu li, với giá 2 nghìn đồng/kg. Ðến thời điểm này, cơ sở của anh Quyền đã thu mua được từ 15 - 20 tấn cu li; sau khi sơ chế, phơi khô sẽ chở đi bán cho thương lái Trung Quốc.
Lực lượng kiểm lâm huyện Mường Chà tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở thu mua, sơ chế cu li nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật.
Anh Sềnh Chứ Giồng, bản Huổi Xuân, xã Na Sang, cho biết: Vào thời gian nông nhàn, anh Giồng mới lên rừng để tìm kiếm cây cu li. Mỗi ngày, anh có thể kiếm được 1 tạ cu li, với giá bán 2 nghìn đồng/kg, cho thu nhập 200 nghìn đồng/ngày. Gần đây, người dân khai thác nhiều nên cây cu li ít dần, phải vào sâu trong rừng mới có nhiều cây to.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cây cu li (còn gọi là cẩu tích) là một giống cây thuộc họ xương xỉ. Theo y học, cây cu li có tác dụng cầm máu, chữa các bệnh xương khớp, thần kinh tọa và một số bệnh khác. Công dụng của loại cây này rất tốt nhưng nếu người dân khai thác bừa bãi, không được kiểm soát sẽ làm cạn kiệt nguồn dược liệu.
Nói về vấn đề quản lý việc khai thác cây cu li trên địa bàn, ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà, cho biết: Căn cứ theo Thông tư 21 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản, hiện nay toàn huyện chỉ có các chủ rừng trên địa bàn xã Ma Thì Hồ, xã Hừa Ngài và thị trấn Mường Chà là được phép khai thác, tận thu cây cu li.
Theo ông Lường Văn Toàn, đối với rừng sản xuất ở xã Ma Thì Hồ và thị trấn Mường Chà thì chính quyền địa phương đủ thẩm quyền cấp phép khai thác cây cu li cho các chủ rừng; còn đối với rừng phòng hộ thuộc xã Hừa Ngài thuộc thẩm quyền của UBND huyện cấp phép khai thác. Cây cu li là lâm sản thuộc nhóm IIA không nằm trong danh mục lâm sản quý hiếm, không cấm khai thác, người dân thường tự ý khai thác bán cho thương lái nên rất khó xử lý. Ngoài ra, do địa bàn khá rộng gây không ít khó khăn trong việc kiểm soát người dân vào rừng khai thác cây cu li.
Ông Toàn bày tỏ lo lắng: Nếu người dân ồ ạt kéo nhau vào rừng khai thác cu li sẽ khiến rừng bị phá, hệ sinh thái rừng bị đe dọa, nhiều loài cây dược liệu quý có nguy cơ bị tận diệt. Chính vì vậy, đơn vị đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền giúp bà con nâng cao ý thức bảo vệ rừng, gìn giữ nguồn dược liệu quý. Lực lượng kiểm lâm huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát tình trạng người dân tự ý vào rừng khai thác cây cu li; đối với các trường hợp cố tình vi phạm sẽ nghiêm túc xử lý.
Hiện nay, để hạn chế tình trạng người dân khai thác ồ ạt, Hạt Kiểm lâm huyện chỉ đạo kiểm lâm địa bàn xã Hừa Ngài, xã Ma Thì Hồ và thị trấn Mường Chà tham mưu cho chính quyền địa phương thông báo các chủ rừng ngừng hoạt động khai thác cây cu li và các loại dược liệu khác, nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.