Tháng 6.2011, trao đổi với NTNN, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, tỉnh sẽ xử lý “cát tặc” trên sông Hương triệt để bằng việc dùng các biện pháp mạnh như tháo dỡ các dàn khai thác trái phép, tháo dỡ và cưỡng chế các bến bãi, cắt điện… Tuy nhiên, sau những động thái của cơ quan chức năng, cát tặc vẫn điên cuồng đào bới lòng sông.
Theo ghi nhận của NTNN, cuối tháng 10.2011, ở thượng nguồn sông Hương, đoạn từ Điện Hòn Chén (xã Hương Thọ) đến thôn Dạ Khê (xã Thủy Bằng) với chiều dài 8km, mỗi ngày có hàng trăm thuyền hút cát sạn hoạt động suốt ngày đêm.
Tương tự, trên sông Hương đoạn qua địa phận các xã Phú Thanh và Phú Mậu (huyện Phú Vang), nạn khai thác cát sạn trái phép diễn ra như chốn không người. Tình trạng sạt lở bờ sông tại những địa phương này cũng ngày càng nghiêm trọng khiến dân đổ nhà, mất đất sản xuất, các di tích bị uy hiếp.
Cát tặc tấp nập "rút ruột" sông Hương đoạn qua địa phận xã Hương Thọ. |
Ông Mai Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết, vì lực lượng của xã mỏng và phải làm nhiều việc nên không thể ngày nào cũng đi xua đuổi, bắt cát tặc.
"Chúng tôi đã tịch thu nhiều phương tiện nhưng họ lại mua sắm để làm lại"- ông Xuân nói. Theo ông Xuân, nói là được cấp trên phối hợp nhưng thực chất việc xử lý cát tặc chủ yếu do công an địa phương thực hiện, lực lượng của huyện và tỉnh thi thoảng mới vào cuộc.
Ông Nguyễn Thái - Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, cũng khẳng định do thiếu nhân lực, phương tiện nên địa phương không thể xử lý dứt điểm cát tặc. Ông Thái đề nghị lực lượng CSGT đường thủy và Cảnh sát Môi trường phải thường xuyên túc trực, kiểm tra, còn phối hợp từng đợt thì sẽ không hiệu quả.
Trao đổi với NTNN, ông Trần Bá Trung - Ủy viên thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Giải pháp bền vững nhất hiện nay là tỉnh cần quy hoạch vùng khai thác cát sạn ở thượng nguồn sông Hương và phát triển giao thông để dân khai thác. Làm như vậy vừa dễ quản lý, lại bảo đảm được nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho thị trường.
An Sơn