Thủ tướng đã chỉ ra 4 vấn đề lớn trong ngành tài chính tại Hội nghị (Ảnh: VGP)
Tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018, Thủ tướng đã nêu một số vấn đề còn tồn tại trong hoạt động của ngành tài chính và phương hướng khắc phục.
Quyền lợi của người nộp thuế rất ít được quan tâm
Theo Thủ tướng, chính sách thuế hiện vẫn tư duy theo quan điểm có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa hướng đến quan điểm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Xuyên suốt các luật thuế thì quyền của cơ quan quản lý nhà nước rất lớn với việc cấp mã số thuế, kiểm tra, thanh tra, cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, đình chỉ sử dụng hóa đơn, xử lý hành vi vi phạm, thậm chí chuyển cơ quan điều tra… nhưng quyền của người nộp thuế, chủ yếu là doanh nghiệp và người dân còn rất ít.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính sách thuế luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước còn doanh nghiệp và người dân có kêu oan cũng bị áp đặt là vi phạm. Nói chung, quyền lợi của người nộp thuế ít được quan tâm bảo vệ. Đây là vấn đề lớn mà toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận. Việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế”.
Bán nhà công sản cho Vũ “nhôm”, Nhà nước được cái gì?
Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công.
“Tôi xin nêu một ví dụ mới nhất, đó là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ “nhôm” diễn ra ở TP. Đà Nẵng. Nhà nước được cái gì?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.
Thanh tra thuế tràn lan, gây khó cho DN
Thủ tướng chia sẻ: “Hoạt động kiểm tra, thanh tra thuế, hải quan vẫn tràn lan, gây khó cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có quá nhiều lĩnh vực thanh tra nội dung về thuế: Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra Tổng cục thuế, thanh tra sở tài chính địa phương, thanh tra tỉnh, Kiểm toán Nhà nước… Mỗi lần thanh tra cùng một nội dung, nhưng lại có một cách xử lý khác nhau khiến DN phải kêu lên tới Văn phòng Chính phủ”.
Từ đây, Thủ tướng đề nghị phải rà soát, tính toán lại một cách khoa học hoạt động thanh tra thuế tại doanh nghiệp theo quan điểm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế đối với các doanh nghiệp đã thực hiện đúng pháp luật về thuế.
Hải quan còn tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại
Thủ tướng cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính vẫn đáng lo ngại, ví dụ như Hải quan vẫn còn thất thoát lớn, vẫn tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại. Điển hình là sự việc mất 213 container ở cảng Cát Lái hay vụ việc cán bộ thuế đi đêm với doanh nghiệp, bị khởi tố, bắt giam ở Bình Định.
“Điều tra của VCCI cho thấy, chi phí bôi trơn của doanh nghiệp cho công chức thanh tra, kiểm tra vẫn còn lớn. Một bộ phận cán bộ ngành tài chính còn nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của doanh nghiệp, chưa nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng nói.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào “Doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn”, “Cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì”.
Cùng với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành cán bộ công chức hư hỏng.