Quân đội Nga mới đây khống chế hoặc bắn hạ 13 máy bay không người lái (UAV) mang thuốc nổ chuẩn bị tấn công căn cứ không quân Hmeymim và cơ sở hậu cần Tartus ở Syria. Vụ việc này phần nào cho thấy hiệu quả của lá chắn phòng thủ chống UAV mà Nga đã triển khai tại Syria, theo RBTH.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các chuyên gia tác chiến điện tử tại căn cứ Hmeymim đã chiếm quyền điều khiển 6 UAV trong cuộc tấn công đêm 5/1. Giới phân tích nhận định vũ khí được Nga sử dụng để khống chế các UAV này chính là tổ hợp gây nhiễu diện rộng Krasukha-4.
Tổ hợp Krasukha-4 tích hợp những công nghệ tác chiến điện tử tốt nhất của Nga, đặc biệt là hệ thống ăng ten độc đáo phát triển từ trạm gây nhiễu SPN-30. Ưu điểm của Krasukha-4 là khả năng vận hành hoàn toàn tự động, người vận hành chỉ cần theo dõi thiết bị mà không phải thao tác trực tiếp.
Tổ hợp Krasukha-4 và Pantsir-S1 bố trí tại căn cứ Hmeymim. Ảnh: Airbus.
Krasukha-4 được thiết kế để bảo vệ sở chỉ huy, các nhóm quân tập trung, hệ thống phòng không, cơ sở quân sự, công nghiệp quan trọng trước hệ thống trinh sát đường không và vũ khí chính xác của đối phương. Máy gây nhiễu chủ động của Krasukha-4 có thể "làm mù" những tổ hợp cảm biến điện tử tối tân của Mỹ và NATO, bao gồm cả radar mặt đất cùng máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AEW&C).
Với tầm hoạt động hiệu quả 300 km, Krasukha-4 đủ sức tạo ô bảo vệ quanh căn cứ Hmeymim và Tartus trước mối đe dọa từ máy bay không người lái. Những chiếc UAV của phiến quân dễ dàng bị phá sóng điều khiển và định vị, buộc phải hạ cánh tại chỗ hoặc đâm thẳng xuống đất. Trong thử nghiệm hồi năm 2015, Krasukha-4 từng kích nổ nhiều quả đạn pháo phản lực BM-21 trang bị ngòi nổ vô tuyến ngay trong quá trình bay tới mục tiêu.
Tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S1
7 chiếc UAV còn lại của phiến quân bị tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 bắn hạ trong vụ tấn công nhằm vào căn cứ Hmeymim và Tartus. Nga đang triển khai ít nhất 4 tổ hợp Pantsir-S1 tại Syria, với nhiệm vụ bảo vệ các hệ thống phòng không tầm xa S-400, cũng như lấp khoảng trống tầm thấp ngoài khả năng đánh chặn của S-400.
Pantsir-S1 là tổ hợp pháo - tên lửa phòng không hỗn hợp phát triển từ nền tảng 2K22 Tunguska, được bổ sung nhiều tính năng và vũ khí mới để đối phó với các mối đe dọa trong thế kỷ 21. Nhiệm vụ chính của Pantsir-S1 là bảo vệ cơ sở hạ tầng và công trình quân sự, các trung đoàn tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới, cũng như những hệ thống phòng không tầm xa như S-300 và S-400.
Tổ hợp Pantsir-S1 (khung đỏ) bảo vệ tên lửa S-400 tại Syria. Ảnh: Sputnik.
Một xe chiến đấu Pantsir-S1 gồm hai pháo tự động 2A38M cỡ nòng 30 mm với tốc độ bắn 5.000 phát/phút, trang bị 1.500 viên đạn nổ mảnh hoặc xuyên giáp với tầm bắn tối đa 4 km. Ngoài ra, Pantsir-S1 còn mang 12 tên lửa tầm ngắn 57E6 có khả năng diệt mục tiêu từ cách 20 km.
Biến thể Pantsir-S1 cơ bản được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động, cho phép phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc, gồm cả những chiếc UAV cỡ nhỏ hoạt động gần mặt đất.
Quân đội Nga còn sở hữu một số khí tài chuyên dụng khác để vô hiệu hóa UAV đối phương. Tập đoàn Kalashnikov hồi tháng 8 năm ngoái ra mắt súng điện tử REX-1 chuyên bắn hạ UAV và gây nhiễu tín hiệu điện thoại.
Súng điện tử REX-1. Ảnh: Sputnik.
Khả năng chế áp tín hiệu vô tuyến của REX-1 khiến UAV mất điều khiển, rơi tại chỗ hoặc phải trở về vị trí xuất phát. Bên cạnh đó, trong trường hợp phát hiện thiết bị nổ tự chế, REX-1 có thể khóa mọi tín hiệu điện thoại ở khu vực xung quanh, vô hiệu hóa khả năng kích nổ bom từ xa.
REX-1 còn được trang bị một kính ngắm laser, module gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu (GPS), thiết bị thu phát tín hiệu định vị GLONASS và máy quay cỡ nhỏ. Tuy nhiên, chưa thể xác định liệu quân đội Nga có thử nghiệm loại khí tài này trên chiến trường Syria hay không.