Sáng 10.1 (tức 24.11 âm lịch), đất trời Quảng Trị rét buốt bởi gió mùa đông bắc thổi mạnh. Thế nhưng, trong căn nhà cấp bốn chưa tô trát, cửa ngõ sơ sài của chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (34 tuổi, trú thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) lại ấm cúng. Bởi hôm nay, nhà chị Quỳnh có đông người ghé thăm, trong đó có nhóm anh em thợ nề đến làm mâm cơm thắp hương tưởng nhớ chồng chị.
Ông Hoàng Ngọc Tuấn và Hoàng Kim Minh (ở giữa) cùng nhóm thợ với anh Thành đã làm cơm, thắp hương tưởng nhớ anh Thành. Ảnh: Ngọc Vũ
Chị Quỳnh nhớ lại, trưa 1.11.2016, chồng chị là Hoàng Hữu Thành nghe tin nhà bố mẹ bị lũ lớn gây ngập nên đến ứng cứu. Trong khi dắt hai con bò của bố mẹ đến chổ cao thì bị nước lũ cuốn trôi. Mãi đến hôm sau (2.11) lực lượng chức năng mới tìm được thi thể anh bị mắc trong cây bụi gần nơi bị lũ cuốn.
Lúc anh Thành mất, chị Quỳnh đang mang thai tháng thứ 2 đau đớn đến tột cùng.
Theo thời gian, nhờ sự động viên của người thân, xóm giềng chị Quỳnh dần nguôi ngoai. Nhờ vậy chị mới sinh thành công mẹ tròn con vuông đứa con trai nay đã 8 tháng tuổi.
Ông Hoàng Kim Minh rót rượu cúng anh Thành trong ngày giỗ tổ nghề thợ nề. Ảnh: Ngọc Vũ
Một người phụ nữ mất chồng, tay nách 3 đứa con thơ dại, cả đời chị chưa bao giờ dám nghĩ đến cảnh này. Thế nhưng, số phận đã định, nay đứa con út còn quá nhỏ nên chị vẫn phải nhờ nội ngoại hai bên giúp đỡ để sống tiếp.
“Chờ đứa con trai út lớn thêm chút nữa tôi sẽ gửi nhà trẻ rồi xoay xở kiếm ít vốn thuê cái sạp nho nhỏ ở chợ bán hàng rau, hành ngò, gia vị… để kiếm sống và nuôi con ăn học” – chị Quỳnh nói.
Chị Quỳnh một cách nuôi 3 con nhỏ khi chồng qua đời vì bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Ngọc Vũ
Nói đến nhóm thợ nề, chị Quỳnh cho biết, năm ngoái đến ngày 24.11 âm lịch họ làm mâm cơm ở nhà rồi bưng đến đặt lên bàn thờ thắp hương cho anh Thành. Còn năm nay, họ mang từ nhà người con gà, người lon nếp… đến nhà chị Quỳnh nấu nướng, làm cơm để thắp hương cho anh.
Ông Hoàng Ngọc Tuấn (45 tuổi, trú thôn Vĩnh An, Cam Hiếu) cho biết, 15 tuổi anh Thành đã làm nghề thợ nề. Sau nhiều năm tích cóp anh Thành bắt đầu nhận thầu một vài công trình. Ông Tuấn đi theo anh Thành khoảng 4 năm cho đến ngày anh Thành qua đời.
“Khi còn sống, Thành sống nghĩa tình, chăm lo cho anh em trong nhóm từ tiền nong cho đến công việc gia đình, con cái nên chúng tôi rất quý. Hôm nay ngày giỗ tổ nghề thợ nề, chúng tôi làm mâm cơm cúng cho nó, như nó vẫn còn quanh đây với anh em chúng tôi” – ông Tuấn nghẹn lời.
Ông Hoàng Kim Minh (cùng thôn Vĩnh An) nói rằng, anh em trong nhóm thợ nề đều là nông dân nghèo khó, nhưng tấm lòng luôn nhớ đến nhau. Khi anh em trong nhóm thợ gặp hoạn nạn thì phải giúp đỡ lẫn nhau, đó là chuyện bình thường.