Như Dân Việt đã đưa tin, TAND TP.HCM tiếp tục vào phần xét hỏi vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2), Trầm Bê và 44 đồng phạm.
HĐXX phiên toà xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm đã triệu tập ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch BIDV nhưng nhân chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan này vẫn vắng mặt. Ông Hà xin vắng mặt tại phiên toà do sức khoẻ kèm bệnh án (ung thư gan) đang điều trị tại bệnh viện của ông Trần Bắc Hà.
Chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản cũng cho biết có nhận được kiến nghị của luật sư của bà Hứa Thị Phấn xin cho bà vắng mặt do bệnh. Lý do theo giám định y khoa sức khỏe bà Phấn hiện chỉ còn 7%.
Ông Trần Bắc Hà xin vắng mặt tại tòa vì lý do sức khỏe. Ảnh Internet.
Mở rộng đối tượng áp giải, dẫn giải
Bà Lê Thị Hòa - Chuyên viên tư vấn pháp lý Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn cho biết việc tham dự phiên Tòa hoặc tham dự vào các buổi làm việc của cơ quan điều tra theo yêu cầu của các cơ quan này là nghĩa vụ của người làm chứng. Vì trong nhiều trường hợp, người làm chứng có vai trò quyết định đến việc xác định một cá nhân có phạm tội hay không và phạm tội ở hoàn cảnh nào.
Khác với người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là những người ít nhiều có quyền lợi hoặc nghĩa vụ nhất định trong vụ án hình sự. Vì vậy, trách nhiệm của họ hoàn toàn khác so với người làm chứng.
Nếu như người làm chứng chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin về những gì họ biết được của vụ án thì người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan lại là người có thể có tài sản hoặc có mối quan hệ nhất định với những người tham gia tố tụng.
"Thực tế xét xử tại Việt Nam cho thấy, hầu hết các Tòa án thường không thực hiện xác minh các lý do không tham dự phiên tòa được của các nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Sở dĩ Tòa án không làm điều này vì thực tế việc xác định nguyên nhân dẫn tới việc một cá nhân không tham dự phiên Tòa là rất khó khăn, khó chứng minh được có yếu tố bất khả kháng hay trở ngại khách quan thực tế hay không?" - Đại diện Công ty luật Lê Nguyễn. |
Vì vậy, họ có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập; trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình; chấp hành theo quyết định, yêu cầu của người có thẩm quyền tố tụng. Nếu trường hợp họ biết rõ trách nhiệm của mình nhưng vẫn cố tình không tham gia các buổi làm việc với cơ quan điều tra hoặc Tòa án với một số lý do nhất định hoặc không có lý do chính đáng thì đương nhiên họ đã từ bỏ quyền lợi của mình trong vụ án.
Bên cạnh đó, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định riêng một mục về biện pháp cưỡng chế (nằm trong Chương VII - Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế).
Trong đó, đã dành ra 2 điều (điều 126, 127) quy định cụ thể áp giải và dẫn giải là một trong 4 biện pháp cưỡng chế và trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng để bảo đảm cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tuân thủ đúng pháp luật.
Cụ thể, việc áp giải và dẫn giải được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Áp giải có thể áp dụng đối với: Bị can, bị cáo trong trường hợp đã được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng; Người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị buộc tội.
- Dẫn giải có thể áp dụng đối với: Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
“Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng hơn về đối tượng bị áp dụng biện pháp cương chế áp giải, dẫn giải” – luật sư Tuấn Anh cho biết.
Theo đó, biện pháp áp giải không chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong trường hợp đã được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng mà còn được áp dụng đối với người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội (điều 60, 61, khoản 1 điều 126 BLTTHS năm 2015).
Biện pháp dẫn giải không chỉ được áp dụng đối với người làm chứng mà còn có thể được áp dụng đối với người bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (trong các trường hợp cụ thể theo khoản 2 điều 127 BLTTHS năm 2015).
Tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và Trầm Bê, nhiều nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đã vắng mặt. CTV.
Có thể dẫn giải đến tòa
Bổ sung thêm, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho biết sự có mặt của người làm chứng có bắt buộc hay không còn tùy thuộc vào nội dung đã khai báo và những vấn đề người làm chứng chứng kiến.
Cụ thể, Điều 293 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải.
Phân tích thêm sự khác biệt giữa người làm chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện Công ty luật TNHH Lê Nguyễn cho hay: "Đối với người làm chứng, nếu trường hợp sự vắng mặt của người làm chứng mà không có lý do chính đáng (do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan) mà việc vắng mặt đó ảnh hưởng đến quá trình điều tra thì có thể bị cơ quan điều tra, Tòa án cho áp dụng biện pháp dẫn giải.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nếu không tham gia vào một phần hoặc toàn bộ quá trình giải quyết vụ án thì sẽ không bị Tòa án hoặc cơ quan điều tra áp dụng biện pháp dẫn giải như người làm chứng mà mặc nhiên những người này đã tự từ bỏ quyền tự bảo vệ của bản thân".
Trong trường hợp cụ thể trong vụ án xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm, theo luật sư Nguyễn Hồng Thái số tiền các bị cáo bị cáo buộc gây thiệt hại lên tới 6.217 tỷ đồng, cho thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án.
"Việc vắng mặt của ông Trần Bắc Hà, bà Hứa Thị Phấn, ông Đoàn Ánh Sáng sẽ ảnh hưởng tới việc xét xử vụ án. HĐXX cần đưa ra quyết định thận trọng dựa trên đánh giá chính xác về sự cần thiết có mặt của những người liên quan đến việc xét xử vụ án. Vì vậy, việc yêu cầu có mặt của 03 cá nhân nêu trên là hoàn toàn cần thiết" - luật sư Hồng Thái cho biết.
Như vậy, tùy thuộc vào những tình tiết người làm chứng chứng kiến và sự cần thiết có mặt đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tòa án có thể áp dụng quyết định hoãn phiên tòa, vẫn tiến hành xét xử và quyết định dẫn giải trong trường hợp cố ý vắng mặt không có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan và việc vắng mặt của người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Luật sư Trần Tuấn Anh thông tin thêm, tại khoản 6 điều 127 cũng đã quy định rõ hơn điều kiện áp giải, dẫn giải. Theo đó, không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế. Tuy nhiên trên thực tế việc áp giải, dẫn giải là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và rất dễ bị phản ứng. Vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần phải xem xét rất thận trọng, chỉ nên áp dụng khi thật cần thiết để làm rõ các nội dung quan trọng của vụ án. |