Sáng nay (8.1), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 22 bị cáo về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 3 Điều 165 Bộ Luật hình sự 1999), Tham ô tài sản (khoản 4, Điều 278 Bộ Luật hình sự 1999) xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC.
Đáng chú ý, trong 14 người bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có 2 nhân vật gây chú ý đặc biệt là ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Trước khi bị xét xử, ông Thăng từng là Ủy viên Bộ chính trị.
Cảnh sát dẫn giải ông Đinh La Thăng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm được rất nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người đã thể hiện niềm tin của mình trước công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Huy Toàn - Nhà nghiên cứu tư tưởng - văn hóa quân sự (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) cho biết, hôm nay là một ngày đặc biệt, cả nước xử hai vụ án lớn, trong đó có một vụ án liên quan đến ông Đinh La Thăng, người từng là Ủy viên Bộ Chính trị.
Theo ông Toàn, qua hai sự kiện này có thể thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng rất là cao, không bỏ lọt bất kì ai kể cả người từng giữ chức cao như ông Thăng. Dù làm chức cao nhưng khi phát hiện dấu hiệu sai phạm vẫn đưa ra xử một cách công khai.
Trịnh Xuân Thanh tại phiên xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Hai vụ án này là hai vụ án lớn mà dân tình cả nước đều quan tâm và theo dõi rất sát sao. Qua đó, nhân dân hy vọng rằng những vụ việc này sẽ xử đúng người, đúng tội để răn đe những người tham nhũng, lãng phí của công của đất nước.
“Nếu xử đúng người đúng tội sẽ lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, bởi vì có một thời gian niềm tin của nhân dân bị suy giảm. Bây giờ giữ được niềm tin của dân thì mọi việc mới có thể thành công được. Kết quả xử án như thế nào thì chưa thể nói trước được, nhưng tôi tin rằng với cách thể hiện của Đảng trong vụ án này thì những người được xác định là có tội sẽ bị xử lý” - Đại tá Nguyễn Huy Toàn nói.
Ngoài ra Đại tá Toàn còn cho biết thêm: “Trước tôi cũng được dự một cuộc tiếp xúc cử tri có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự. Khi phát biểu ý kiến thì đồng chí thể hiện một quyết tâm chống tham nhũng rất cao.
Đồng chí có nói mấy vấn đề quan trọng đó là chống tham nhũng là vấn đề cấp bách hiện nay, không thể nào trì hoãn được và chống tham nhũng không có vùng cấm, tất cả người phạm tội đều phải xử lý. Rõ ràng quyết tâm của Tổng Bí thư rất cao nên mới những vụ án lớn có liên quan đến những người như ông Đinh La Thăng mới được xét xử như hôm nay”.
Có mặt trực tiếp để theo dõi phiên tòa từ phía ngoài, ông Phan Ngọc Thanh (70 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ông có niềm tin hơn vì một vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử. Theo ông Thanh, vụ án này phải xử nghiêm để làm gương cho cán bộ, chứ cứ để thua lỗ hàng nghìn tỉ như thế thì quá nguy hiểm.
“Tôi đến đây từ sáng sớm để quan sát xử vụ trọng án này. Đây là vụ án mà chúng tôi đã theo dõi qua báo đài từ lâu. Những chi tiết về tham nhũng cần phải được làm rõ hơn nữa để xác định có hay không tội trạng của những bị cáo này. Mong rằng, phiên toà sẽ xử đúng người đúng tội", ông Thanh nói.
Còn dưới góc nhìn của một người trẻ, anh Lê Kiều Thuận (Hà Nội) chia sẻ, là một người thường xuyên theo dõi tình hình chính trị, xã hội trong nước, anh cảm thấy phấn khởi khi chứng kiến phiên tòa xét xử những cán bộ cấp cao được cho rằng có liên quan đến thất thoát, tham nhũng hàng nghìn tỉ đồng.
Phiên tòa cho thấy những nỗ lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng và bộ máy chính quyền nhà nước.
“Đúng như Tổng Bí thư đã nói, “lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy”, đây là lần hiếm hoi một cán bộ cấp cao bị đưa ra xét xử.
Tuy nhiên, tôi mong muốn cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng và bộ máy chính quyền ta không dừng lại ở phiên tòa mà phải được đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa để loại khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng đã kéo tụt lùi sự phát triển của đất nước trong nhiều năm. Cuộc chiến chống tham nhũng này không thể có vùng cấm và bất cứ ai có tội cũng đều phải bị đưa ra xét xử, dù người đó có từng đảm nhiệm vị trí nào”, anh Thuận nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.