Dân Việt

Muốn giàu nuôi cá, muốn khá trồng cam

Thu Trang 11/01/2018 11:30 GMT+7
Ông Ma Hoàng Dưỡng, thôn Nà Cà, xã Hà Vị, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) nói dí dỏm: "Ông bà ta nói rồi. Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo...", thế nên tôi vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư nuôi 4.000m2 ao cá...

Trong những năm qua, Hội Nông dân (ND) huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã tiếp nhận nhiều nguồn vốn vay từ trung ương và địa phương, trong đó có Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), hỗ trợ tối đa cho hội viên phát triển sản xuất. Qua đó nhiều hội viên đã vươn lên khấm khá.

Đồng tiền đi liền cách làm ăn

Ông Ma Hoàng Dưỡng - thôn Nà Cà, xã Hà Vị, Bạch Thông được vay 50  triệu đồng tiền vốn Quỹ HTND vào tháng 6.2017 để chăn nuôi thủy sản cho biết: “Nhà tôi có khoảng 4.000m2 ao, nhưng trước đây chỉ nuôi kiểu tự nhiên được chăng hay chớ, chứ chưa chú tâm chăm sóc theo kỹ thuật nên sản lượng cá đạt rất thấp, chủ yếu để ăn. Nhưng từ khi được tham gia dự án vay vốn của Quỹ HTND tỉnh, được tập huấn kỹ thuật, tham gia thảo luận cách làm ăn, tôi đầu tư mua giống cá trắm cỏ, cá chép, trôi, rồi mua thức ăn cho cá. Nhờ vậy, tỷ lệ cá sống đạt cao, ít rủi ro và đàn cá lớn nhanh. Dự kiến tháng 4 năm sau, cá nhà tôi sẽ xuất bán được. Mọi năm chỉ thu hoạch cá được 1 lần, mỗi lần được 15-20 triệu đồng, nhưng từ nay tôi sẽ được thu hoạch 2 lần/năm, mỗi lần sản lượng cá thu hoạch lớn hơn trước kia nhiều…”.

img

Ông Ma Hoàng Dưỡng vay 50 triệu đồng vốn từ Quỹ HTND, đầu tư nuôi cá bài bản. Ảnh: I.T

"Không chỉ giúp về nguồn vốn vay, Hội ND huyện Bạch Thông còn triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ sản xuất, cung ứng phân bón, giống cây trồng, vật nuôi cho hội viên, nông dân...”.

Bà Ngôn Thị Chanh

Bà Hoàng Thị Chẵn - Chủ tịch Hội ND xã Hà Vị cho biết: “Khi triển khai dự án nuôi cá có sử dụng Quỹ HTND, chúng tôi đã tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên chương trình cho vay nuôi trồng thủy sản, lựa chọn các hộ có đủ điều kiện về diện tích mặt nước, có sở thích nuôi cá để tiến hành giải ngân, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi cá. Qua kiểm tra, các hộ đều sử dụng vốn Quỹ HTND đúng mục đích. Nhiều ao sản lượng cá tăng, cá phát triển khá tốt, hứa hẹn cho thu hoạch khá. Dự án là cơ hội để giúp các hộ tăng thu nhập, tận dụng được nguồn mặt nước sẵn có mà trước kia làm ăn chưa hiệu quả”.

Năm 2017, Hội ND xã Dương Phong cũng được tiếp cận nguồn vốn vay 1 tỷ đồng từ Quỹ HTND T.Ư để đầu tư trồng và chăm sóc vườn cam, quýt. Toàn xã có 15 hộ dân được tiếp cận nguồn vốn này. Nhìn chung các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích vào việc cải tạo, chăm sóc vườn cam, quýt, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cây trồng…

Đa dạng hóa cách hỗ trợ

Từ việc tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, Hội ND huyện Bạch Thông không chỉ giúp cho các hội viên giảm nghèo, nâng cao thu nhập mà còn khơi dậy phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều gương sản xuất giỏi có mức thu nhập lên đến vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Người dân huyện Bạch Thông chủ yếu làm nông nghiệp, nên nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất khá lớn. Nắm bắt nhu cầu đó, trong năm qua Hội ND huyện đã phối hợp tốt với các đơn vị tín dụng, làm cầu nối đưa nhiều loại vốn vay đến với hội viên. Bên cạnh vốn Quỹ HTND, Hội đã phối hợp với Ngân hàng CSXH ủy thác vốn vay cho hội viên.  Năm 2017, Hội đã ủy thác giúp cho 300 lượt hội viên vay  vốn với tổng dư nợ là 8,5 tỷ đồng.

Trong năm qua, Hội ND huyện cũng tiến hành thẩm định và giải ngân gần 2 tỷ đồng Quỹ HTND các cấp cho hàng trăm hội viên vay thực hiện các dự án như đầu tư chăm sóc vườn cam, quýt ở Dương Phong; chăn nuôi lợn thịt ở các xã Vi Hương, Cao Sơn, Nguyên Phúc; mở rộng xưởng sơ chế và tiêu thụ măng khô…

Bà Ngôn Thị Chanh - Chủ tịch Hội ND huyện Bạch Thông cho biết: “Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, phố biến chủ trương, chính sách tới hội viên, cán bộ và tổ chức Hội còn thường xuyên nắm bắt, rà soát, giúp đỡ các hộ khó khăn về vốn, vật tư. Cùng với tập huấn kỹ thuật, tổ chức cho nông dân tham quan mô hình, các cấp Hội còn tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bà con sử dụng vốn…”.