Dân Việt

Chốt phương án đổ ải vụ đông xuân ở miền Bắc: Sẽ xả 3 đợt, 18 ngày

Ngân Hương 11/01/2018 16:52 GMT+7
Bộ NN&PTNT thông báo, sẽ có 3 đợt xả nước các hồ thuỷ điện để phục vụ công tác đổ ải vụ đông xuân 2017 – 2018 cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc. Tổng thời gian 3 đợt xả là 18 ngày.

Đã “chốt” phương án xả nước đổ ải

Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NNPTNT) vừa có buổi làm việc với Sở NNPTNT Hà Nội (địa phương cuối cùng cần lấy ý kiến) để chốt phương án xả nước đổ ải vụ đông xuân (ĐX). Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, vụ ĐX năm nay ở miền Bắc có điểm khác biệt so với các năm trước. Bởi năm nay nhuận 2 tháng 6 (âm lịch), lập xuân đến rất sớm (16.12 âm lịch), do đó các địa phương sẽ gieo cấy lúa đại trà trước Tết Nguyên đán.

img

Cán bộ thủy lợi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước đổ ải cho vụ ĐX. Ảnh: I.T

Trước tình hình này, Tổng cục Thuỷ lợi, Cục Trồng trọt và 11 địa phương ở miền Bắc có diện tích đổ ải vụ ĐX đã thống nhất phương án xả nước các hồ thuỷ điện phía Bắc làm 3 đợt (trước Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, chỉ có Hà Nội đề nghị có 1 đợt xả nước sau Tết Âm lịch.

Sở dĩ có điều này là vì theo ông Nguyễn Vĩnh Liên - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi (Sở NNPTNT Hà Nội), khung thời vụ gieo cấy lúa đại trà của Hà Nội từ ngày 10 – 28.2.2018, do đó nếu lấy nước đổ ải vào đợt 1 (dự kiến từ ngày 16 – 19.1.2018) thì gần như không có ý nghĩa, vì chỉ phục vụ được một phần rất nhỏ diện tích gieo mạ. Sở NNPTNT Hà Nội đã đề nghị Bộ NNPTNT bố trí thêm 1 đợt xả vào thời điểm sau Tết Nguyên đán để bà con gieo cấy thuận lợi.

Tổng cục Thủy lợi đã yêu cầu các địa phương rốt ráo chuẩn bị phương tiện, thiết bị tại các công trình đầu mối, nạo vét bùn, cỏ dại trên các hệ thống kênh dẫn, đảm bảo công tác lấy nước nhanh, tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân bảo vệ công trình thủy lợi...

Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Quản lý công trình thuỷ lợi (Cục Quản lý công trình thủy lợi - Tổng cục Thuỷ lợi) cho biết, phương án tăng thêm một đợt xả nước (đợt 4) sau Tết là rất khó khả thi. Bởi mục tiêu của Bộ là lấy đủ nước đổ ải vụ ĐX nhưng phải tiết kiệm nước. Các đợt xả nước phải trùng với các đợt triều cường. Trong khi đó, sau Tết Mậu Tuất, phải chờ đến đầu tháng 3 (ngày 5-6.3) triều cường mới đạt đỉnh, lệch khá xa so với thời vụ gieo cấy.

Sau khi bàn bạc, phân tích các yếu tố thuận lợi, khó khăn, Tổng cục Thủy lợi đã thống nhất chốt phương án giữ nguyên 3 đợt xả nước (trước Tết Nguyên đán) như dự kiến ban đầu, trong đó mực nước tại Hà Nội sẽ đạt 2,2m.

Tuy nhiên, Bộ NNPTNT cũng sẽ nghiên cứu, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng lưu lượng xả, đảm bảo mực nước tại trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đạt mức 3,2m để Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Sông Tích có thể vận hành 21 máy bơm dã chiến (công suất 1.000m3/giờ/máy) đủ cấp nước cho các vùng khó khăn như Quốc Oai, Thạch Thất... Các tỉnh khác cũng cần tranh thủ lấy nước tối đa từ sông Hồng vào hệ thống thuỷ lợi để tưới dưỡng cho lúa.

Chủ động tích nước, tránh lãng phí

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm này, tại các huyện Phú Xuyên, Thường Tín (Hà Nội), các tỉnh Nam Định, Thái Bình…, công tác chuẩn bị cho việc đổ ải khá rộn ràng. Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), hầu hết các diện tích đồng ruộng đã được cày ải từ 1-2 tuần nay, một số ít ruộng còn lại đang được người dân cấp tốc cày nốt.

Anh Nguyễn Văn Toan ở xã Ân Hòa (Kim Sơn) cho biết: "Năm nay, gia đình tôi dự kiến cấy 10 mẫu ruộng. Do trời mưa nhiều, nước vẫn còn tích trên ruộng nên dự kiến nhu cầu nước năm nay sẽ giảm, việc đổ ải cũng sẽ nhanh hơn".

img

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Trí Hải - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích cho biết, trung bình mỗi năm công ty chi khoảng 15,5 tỷ đồng tiền điện. Những năm qua, EVN cung cấp điện rất ổn định, đảm bảo hoạt động thường xuyên, liên tục. Nếu xảy ra sự cố điện lực, đã có nhân viên túc trực và xử lý 24/24 giờ.

Do năm nay đợt xả nước lần 3 kết thúc sớm hơn nông lịch gieo cấy của Hà Nội khoảng 12 ngày, vì thế một số huyện thị có truyền thống cấy muộn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, tích trữ nguồn nước. Ông Hải đề nghị EVN đảm bảo mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội đạt từ 2,2m trở lên trong các đợt xả nước để đảm bảo vận hành toàn bộ 21 trạm bơm dã chiến và ít nhất 2 tổ máy lớn của Công ty Sông Tích.

Hiện Bộ NNPTNT đã thống nhất với EVN về việc điều tiết các hồ chứa nước thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để bổ sung dòng chảy cho hạ du, phục vụ lấy nước gieo cấy lúa vụ ĐX 2017-2018 khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ.