Dân Việt

Điều gì Thủ tướng tâm đắc nhất về kinh tế Việt Nam 2017?

Hoàng Thắng - Thanh Xuân 11/01/2018 16:33 GMT+7
“Điều tâm đắc nhất của tôi là năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, môi trường đầu tư tăng 14 bậc, chỉ số sáng tạo tăng 11 bậc và chỉ số tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam từ ổn định đã được xếp hạng lên tích cực và đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

img

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, môi trường đầu tư tăng 14 bậc là những điều khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tâm đắc trong năm 2017

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chiều 11.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2017 là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng GDP 6,81%, thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong khu vực và toàn cầu.

Ngoài ra, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, công bằng. Qua đó, đã củng cố niềm tin và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn có thách thức như làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tăng trưởng phải đi liền với chất lượng tăng, năng suất lao động xã hội phải cao hơn hẳn. Có diễn biến mạnh mẽ về sức sống, năng lực cạnh tranh của kinh tế, từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp. Người nghèo, người yếu thế phải có cuộc sống tôt hơn cả về vật chất và tinh thần.

“Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong nền kinh tế xã hội, trở thành kinh tế thị trường năng động, hội nhập với kinh tế toàn cầu và trở thành nền kinh tế hấp dẫn nhất trong khu vực và thế giới.Song chúng ta không được chủ quan. Trong thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì, nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên hay nhân công giá rẻ.

Làm thế nào để tăng trưởng nhanh và bền vững, tôi đọc tài liệu thấy có 2 vấn đề năng lượng xanh bền vững; cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa; cải thiện đầu tư kinh doanh trong môi trường tự do, đặc biệt trong tín dụng, thương mại và môi trường quản lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ chính phủ tìm ra sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng đưa ra câu hỏi: “Tăng trưởng và phát triển bề vững là cuộc đua marathon đường trường chứ không phải cuộc đua nước rút.

Chúng ta cùng nỗ lực biến khát vọng vượt qua thách thức phát huy tối đa tiềm lực của nền kinh tế, phấn đấu trở thành một con hổ Châu Á của nền kinh tế. Tôi nhấn mạnh, phấn đấu trở thành con hồ, hiện giờ chưa, phải làm gì để đạt được?.

Từ đây, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, tổng hợp, báo cáo Ban Bí Thư, Chính phủ để có đề xuất cụ thể, đưa vào mục tiêu phát triển kinh tế.

Trước câu hỏi của TS. Vũ Thành Tự Anh: “Năm 2017 vấn đề gì Thủ tướng tâm đắc nhất?”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chia sẻ: “Năm 2017, tỉ lệ đói nghèo giảm, huyện nghèo 30A đặc biệt khó khăn. Với tinh thần không để ai tụt lại phía sau. Để người dân không bị đói cơm, màn trời chiếu đất. Tỉ lệ khu công nghiệp và môi trường đạt tỉ lệ tốt theo chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra. Các vấn đề xã hội khác được quan tâm. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tới thời điểm này trên 53 tỷ USD, Chứng khoán vượt con số trên 1 tỷ USD…

Điều tâm đắc nhất của tôi là năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, môi trường đầu tư tăng 14 bậc, chỉ số sáng tạo tăng 11 bậc và tỉ số tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam từ ổn định đã được xếp hạng lên tích cực và đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.

Mọi vấn đề khác về chỉ tiêu vĩ mô, vấn đề phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu được chỉ đạo. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được thảo luận để đưa ra giải pháp căn cơ, thực hiện chủ trương bền vững. Đây là vấn đề tâm huyết trong chỉ đạo kinh tế Việt Nam năm 2017. Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển kinh tế xã hội và phát triển bền vững.