Dân Việt

Bí mật phía sau việc KCN Kaesong bị đóng cửa

08/05/2013 15:19 GMT+7
Dân Việt - Giới phân tích đã cố tìm hiểu, vì sao nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lại từ bỏ khu công nghiệp Kaesong, nơi được ví von như “con bò sữa” béo tốt của Triều Tiên.

Một bài phân tích đăng trên trang mạng của Đài Phát thanh nước Pháp nhận định, về bề nổi thì quyết định của Bình Nhưỡng đóng cửa Kaesong được xem là một sách lược nhằm làm gia tăng căng thẳng với Seoul. Thế nhưng, theo các nhà quan sát, đấy không hẳn là lý do duy nhất.

Trước đó, hồi đầu tháng 4 vừa qua, trong đợt cao trào căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã rút toàn bộ 53.000 lao động của họ khỏi khu công nghiệp chung Kaesong, đồng thời cấm cửa những lao động Hàn Quốc nhập cảnh sang Triều Tiên để làm việc trong khu công nghiệp này. Kết quả là, Seoul phản ứng mạnh mẽ, cho hồi hương toàn bộ nhân viên Hàn Quốc về nước và khu Kaesong đã bị đóng cửa.

Dư luận thế giới đã rất bất ngờ và khó đưa ra được một lý giải hợp lý tại sao Bình Nhưỡng lại dễ dàng từ bỏ khu công nghiệp từng được xem là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Triều Tiên.

Trên thực tế, Kaesong chưa từng bị đóng cửa từ ngày được thành lập dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong Il đến nay. Có rất nhiều cách giải thích, nhưng theo như nhận định của Đài Phát thanh nước Pháp, nguyên nhân sâu xa của việc này chính là sự phản đối của quân đội Triều Tiên.

Theo đài này, trước khi bị đóng cửa, khu công nghiệp Kaesong hoạt động rất tốt, với 123 nhà máy hoạt động không ngơi nghỉ. Vấn đề chủ yếu của các doanh nhân Hàn Quốc là làm sao tìm được đủ số công nhân Triều Tiên làm việc trong các nhà máy của mình. Với dân số 200.000 người, mà 53.000 người đã làm việc cho khu công nghiệp, thành phố cạnh Kaesong quả không đáp ứng nổi nhu cầu.

img
Công nhân Triều Tiên làm việc trong khu công nghiệp Kaesong

Có thể nói, Kaesong là nơi duy nhất trên thế giới mà người Triều Tiên và Hàn Quốc được phép gặp nhau và cùng nhau làm việc. Thực tế đó đã tạo cơ hội cho những vụ trao đổi trái phép, ví dụ như việc nhập lén các sản phẩm Hàn Quốc vào Triều Tiên, từ điện thoại di động cho đến thẻ nhớ USB trên đó ghi lại những phim truyện và phim bộ Hàn Quốc.

Nếu trong những năm đầu, tiếp xúc giữa những người hai miền Nam Bắc khá khó khăn, vì hai bên còn rất nghi kỵ nhau, thì dần dà, quan hệ đã tốt dần lên. Họ có thể trao đổi ý kiến về hệ thống chính trị hai nước, và đây chính là điều khiến Bình Nhưỡng lo ngại hơn cả.

Chính vì thế mà đối với chế độ Bình Nhưỡng, khu công nghiệp Kaesong đã trở nên một mối đe dọa vì có thể làm suy giảm ảnh hưởng của chế độ đối với dân chúng Triều Tiên, mà họ muốn kìm giữ trong tình trạng cách xa với thế giới bên ngoài.

Bình Nhưỡng đã đề ra một số biện pháp nghiêm ngặt đối với người Triều Tiên làm việc tại Kaesong. Vào mỗi buổi sáng, con số 53.000 công nhân làm việc ở khu công nghiệp phải theo những lớp học chính trị để rèn luyện ý thức hệ cộng sản. Thêm vào đó, mỗi thứ Bảy, họ đều phải tiến hành tự kiểm điểm. Những người Triều Tiên bị cấm không được ăn chung với người Hàn Quốc.

Nhưng điều được cho là quan trọng hơn cả, đó là quân đội Triều Tiên đã luôn phản đối việc xây dựng khu công nghiệp này, vì nó tọa lạc trên một căn cứ quân sự cũ. Và dựa theo những phân tích này, việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un đóng cửa Kaesong và đưa ra những điều kiện trao đổi “cứng rắn” với phía Hàn Quốc đều là do có sức ép từ phía quân đội. Hiện nay các cuộc thương lượng về Kaesong vẫn tiếp diễn, nhưng giới phân tích nhận định không dễ dàng để dàn xếp ổn thỏa những rắc rối xung quanh Kaesong.

Giới chức ngoại giao của Mỹ nhiều lần nhận định rằng, Triều Tiên không có ý định đóng cửa vĩnh viễn Kaesong, đó chỉ là chiến thuật đối với Seoul. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Mỹ Mitchell Reiss cho rằng, phản ứng cứng rắn của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye trước đe dọa chiến tranh của Bình Nhưỡng khiến cho Triều Tiên ngạc nhiên.

Ông Reiss nhận xét: "Những gì đã xảy ra là Bình Nhưỡng đã cảm thấy bất ngờ khi Tổng thống Park Geun Hye quyết định không tham gia trò chơi này với Bình Nhưỡng, mà thay vào đó kiên quyết chấm dứt trò này bằng việc rút tất cả nhân viên Hàn Quốc ở Kaesong về nước”.

Ông Reiss cho rằng những ảnh hưởng kinh tế đối với Hàn Quốc do khu công nghiệp này đóng cửa là rất nhỏ. Tổng vốn đầu tư của Seoul vào khu công nghiệp này ước tính khoảng 840 triệu USD, trong đó 350 triệu USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng và số còn lại đầu tư vào nhà xưởng và thiết bị.

Khi tương lai của Kaesong chưa được xác định, điều mà người ta có thể nhìn thấy rõ nhất là thiệt hại kinh tế mà Triều Tiên phải đối mặt là sẽ thất thu hàng chục triệu USD mỗi năm nếu đóng cửa khu công nghiệp Kaesong.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở ở Mỹ ước tính khu công nghiệp liên doanh này mang về cho Triều Tiên khoảng 90 triệu USD một năm từ tiền lương lao động, tiền thuê cơ sở, các loại phí và thuế… Theo ước tính của truyền thông Hàn Quốc, sản lượng của khu công nghiệp Kaesong năm 2012 đạt 470 triệu USD, từ các sản phẩm bao gồm hàng dệt may, phụ tùng ô tô, và lắp ráp các mặt hàng gia dụng chạy điện.