“Thị trường bất động sản hiện nay rất trầm lắng, thanh khoản của ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đời sống của một bộ phận nhân dân cũng rất khó khăn. Chính phủ thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác điều hành để từ đó có những biện pháp chấn chỉnh hết sức quyết liệt” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định như vậy tại phiên họp báo thường kỳ tháng 10.2011 của Chính phủ, chiều 4.11.
Hiện tại, Chính phủ vẫn chưa bàn tới chuyện tăng giá điện. |
Chỉ số giá tiêu dùng tăng mức thấp nhất kể từ đầu năm
Phiên họp thường kỳ tháng 10.2011, Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình KTXH tháng 10 và 10 tháng năm 2011 tiếp tục có những chuyển biến tích cực nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm dần nhưng sức ép về lạm phát và tỉ giá còn rất lớn, lãi suất còn cao. Sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và hàng tồn kho lớn, thiên tai, dịch bệnh gây nhiều thiệt hại, khó khăn cho sản xuất và đời sống.
Trong 10 tháng đầu năm, theo thống kê của Bộ KHĐT, đã có 6.100 doanh nghiệp giải thể, bằng 1,1% tổng số DN đang tồn tại. Vì vậy, thời gian tới là Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN. Cụ thể, Chính phủ sẽ giao cho các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp về thuế để hỗ trợ DN.
Với thực tế lãi suất cho vay của ngân hàng hiện nay còn quá cao, Bộ trưởng Đam thừa nhận Chính phủ biết rõ điều này và đang chỉ đạo, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải giảm mức lãi suất cho vay để giúp các DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Tuy vậy, vẫn có thể lạc quan nhìn nhận rằng, CPI tháng 10.2011 tăng 0,36%, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và là tháng thứ ba liên tiếp mức tăng giá dưới 1%. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng: Thời gian tới, Chính phủ sẽ vẫn kiên trì trong điều hành để phấn đấu kiềm chế lạm phát ở mức 18%, duy trì tốc độ tăng trưởng 6%. Ngoài ra, phải quản lý giá cả thật tốt bởi sắp Tết Nguyên đán, các mặt hàng đều sẽ rục rịch tăng giá.
Về việc tăng giá một số mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, đặc biệt là điện, Bộ trưởng Đam cho biết: “Sau khi EVN có đề nghị tăng giá điện, Chính phủ đã nghiên cứu và chủ động có lộ trình.
Có thể khẳng định lúc này, Chính phủ chưa bàn tới chuyện tăng giá điện mà sẽ xem xét vào thời điểm thích hợp. Nhưng trước khi tính tới chuyện tăng giá điện, có 2 điều mà Chính phủ sẽ thực hiện: Một là yêu cầu ngành điện phải công khai giá thật của điện cũng như kết quả kinh doanh. Thứ hai là phải có các giải pháp đi kèm để hỗ trợ người nghèo, đảm bảo người nghèo sẽ không phải chịu thiệt hơn, thậm chí là sẽ có lợi hơn”.
Không để đổ vỡ hệ thống ngân hàng
Nhìn nhận sự liên quan hết sức chặt chẽ và mật thiết giữa thị trường bất động sản về tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đánh giá: Thị trường bất động sản hiện nay rất trầm lắng, thanh khoản của ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng có thể chắc chắn một điều, Chính phủ sẽ có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát thị trường bất động sản với mục tiêu không để ảnh hưởng xấu tới hệ thống ngân hàng cũng như gây đổ vỡ cho hệ thống này.
Trước sự lo lắng về tình trạng “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng hiện nay, nhất là hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến đã trấn an báo giới: Hệ thống ngân hàng của ta về cơ bản đang hoạt động khỏe mạnh, nhưng cũng có một số bộ phận đang gặp khó khăn. Điều này là khó tránh khỏi và NHNN phải hỗ trợ các ngân hàng nhỏ về thanh khoản.
“Mục tiêu của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mà chúng ta sắp thực hiện chính là để tăng “sức khỏe” cho hệ thống ngân hàng, tăng quy mô, hiệu quả trong hoạt động của hệ thống ngân hàng” - ông Tiến khẳng định.
Lý giải việc Chính phủ giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2011 từ 20% xuống còn 12%, ông Tiến đưa ra hình ảnh ví von:
“Cũng giống như một cỗ xe đang chạy nhanh, muốn chuyển hướng, đương nhiên phải giảm tốc độ. Trong giai đoạn khó khăn này, chúng ta cần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, do vậy việc thực hiện một chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng linh hoạt là cần thiết, trong đó có việc giảm tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải”.
Hải Phong