Theo PGS.TS Phạm Đức Mạnh, sau gần hai tháng (từ ngày 5.9 đến ngày 25.10.2011), nhóm nghiên cứu Khảo cổ học Khoa Sử (ĐHKHXH&NV-ĐHQG-TP.HCM) đã khai quật ngôi mộ trên, bước đầu cho thấy mộ cổ Cầu Xéo kiến thiết từ vôi sống (CaO). Bên cạnh đó còn có các nguyên tố và hợp chất ô-xyt và muối (SiO2, Al2O3, Fe2O3, CaCO3), cát, vữa hồ và chất kết dính cổ truyền (sỏi, vỏ nhuyễn thể và san hô nghiền, nhựa cây Ô Dước (Lindera myrrha)...
Hài cốt tại Bảo tàng Đồng Nai |
Theo khảo cổ, người đã khuất nằm trong mộ được mai táng bằng quách gỗ sao (Parashorea). Quách gỗ được ghép liền bằng đinh sắt hình chữ U cùng các khoen sắt tròn. Huyệt mộ hình chữ nhật, với kích cỡ 220cm x 95cm, sâu 205cm, đầu mộ gần hướng Bắc.
Thi hài còn nguyên vẹn, chôn ở tư thế nằm ngửa thẳng, với khối tẩm liệm nhiều lớp quần áo, vải, cùng các vết tích lá sen phủ kín thi hài, chiếu cói, trầu và cau, lúa hạt dài Oriza Sativa ...
Đặc biệt, trong áo quan còn vết tích dung dịch thủy ngân (Hg) ở phần đầu và rất nhiều hạt lạ (Nguyện Quế - Murraya paniculata) rải dưới chân thi hài. Ngoài ra, đồ tùy táng chính bao gồm cối và que xoáy trầu cau bằng bạc trắng mạ vàng, khuy áo bằng vàng tây, túi gấm đựng răng rụng, gối da màu đen, đôi hài gấm thêu kim tuyến chỉ vàng v.v…
Đồ chôn cất theo người đã khuất |
Căn cứ vào kiến trúc công trình, di tồn Hán Nôm, tài liệu Nhân học và đồ tùy táng chôn theo, có thể thấy rằng chủ nhân ngôi mộ này là nữ quý tộc cao khoảng 1,5m, thọ khoảng 50-60 tuổi. Niên đại di tích mộ này ghi nhận từ đồ tùy táng và kết quả giám định C14 (270 ± 40 BP = 1680) có thể tin được vào cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII.
Cao Thuyên