Dân Việt

Giữa ma trận thực phẩm bị tẩm chất này chất kia, ăn gì cho sạch?

Bảo Ngọc 12/01/2018 18:40 GMT+7
Số đông người tiêu dùng đang vơi dần niềm tin về các loại thực phẩm. Ra chợ, dù vẫn phải chấp nhận bỏ tiền mua, nhưng ít ai tin 100% những loại thịt, thuỷ hải sản, rau củ… không bị tẩm chất này, chất kia. Bởi vậy, giờ hỏi “ăn gì cho sạch” chắc khó có giải đáp thoả đáng…

Ăn gì cũng sợ chết

Từ nhiều năm nay, ông Năm Hà, chủ cơ sở làm giò chả thương hiệu Thanh Hà ở quận 9, đã sử dụng một loại hương liệu và phụ gia thực phẩm Gusto B61 (polyphosphate) nhập khẩu từ Thái Lan. Đây là sản phẩm có tác dụng làm cho giò chả dòn, thay vì trước đây các cơ sở thường sử dụng hàn the. Ông Hà cho biết, việc sử dụng chất phụ gia được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, cho phép sử dụng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… là thể hiện cách kinh doanh “có lương tâm”, vì sức khoẻ cộng đồng. Hơn nữa, đây còn là sự sống còn, vì chính người tiêu dùng mang lại doanh số, lợi nhuận hàng ngày cho cơ sở.

img

Ngoài việc sử dụng kháng sinh… quá đà, thịt heo, gia cầm khi đưa ra thị trường còn chưa được bảo quản đúng cách. Ảnh minh họa.

“Chúng tôi luôn tự nhủ phải làm ăn đàng hoàng, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh, đó cũng là cách để phúc đức lại cho con, cho cháu mình”, ông Hà tâm sự.

Trước đây, giới sản xuất, kinh doanh giò chả thường sử dụng hàn the, chất có nguy cơ gây ung thư cao. Bà tiểu thương bán thịt cũng có thói quen ướp hàn the miếng thịt bán ế trữ qua ngày cho tươi, không bị ôi thối. Bà Minh, người tiêu dùng ở quận Thủ Đức, TP.HCM, tâm sự có nhiều hôm đi chợ nhìn thấy con mực trắng bạch, hỏi dò thông tin thì có người bảo chủ vựa tẩy trắng bằng oxy già công nghiệp. Không chỉ con mực, khi mua nải chuối, múi mít, chính người bán cũng thiệt lòng giải thích cho bà Minh rằng: chuối này, mít này chín cây chứ không sử dụng thuốc ép chín.

“Ngay ở ngã tư Con nai vàng đường Hoàng Diệu 2 (phường Linh Trung) có một điểm bán mít thái. Người bán lúc nào cũng luôn miệng giải thích mít này lấy của công ty Vinamit, đây là những quả bị lỗi, công ty loại ra nên tuyệt đối không dùng thuốc!”, bà Minh tâm sự.

Đang có hàng trăm, hàng ngàn lý do khiến người dùng không thể an tâm với những thứ vẫn đang ăn vào miệng mỗi ngày. Cho dù ông Năm Hà khẳng định không sử dụng hàn the, nhưng ai dám chắc trước đó, miếng thịt sử dụng làm nguyên liệu xay giò đã không bị tiểu thương ở các lò mổ chích thuốc an thần? Thường, con heo nếu giết mổ tự nhiên, miếng thịt chỉ có thể “tươi, đỏ, nóng, dẻo…” trong vòng hai ba tiếng đồng hồ để đáp ứng tiêu chuẩn làm giò chả. Huống chi, heo giết mổ từ nửa đêm, mất thêm mấy giờ “ngâm” ở chợ đầu mối rồi mới đưa về cơ sở giò chả, mà vẫn còn “tươi nóng”. Chỉ có thần thánh mới hoá phép được.

Người kinh doanh làm bẩn một, còn người chăn nuôi, sản xuất vì lý do khách quan như môi trường nuôi, trồng trọt thường xuyên xảy ra dịch bệnh cũng vô tình hoặc cố ý lạm dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Hồi giữa tháng 11.2017, một đơn vị Nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford đặt tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đã công bố kết quả khảo sát 208 trang trại gà ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trung bình một con gà thịt dùng 470mg kháng sinh, cao gấp 5 – 7 lần so với châu Âu. 85% thuốc kháng sinh được sử dụng trong mục đích phòng bệnh, phần lớn được cho gia cầm dùng qua đường uống, đó là chưa kể đến lượng kháng sinh có sẵn trong nhiều sản phẩm thức ăn công nghiệp.

Nguy cơ bẩn từ sản xuất ra thị trường

Cách nay bốn năm, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn từng có ý định ban hành thông tư 33, quy định thịt chỉ được bán trong vòng tám giờ ở môi trường bảo quản lạnh, tuy nhiên không thực hiện được vì bị dư luận phản đối.

Không ngạc nhiên khi ý định trên bị bác, bởi người tiêu dùng Việt vẫn có thói quen ăn thịt tươi, nóng bán ở chợ truyền thống, lòng lề đường. Đây là cách ăn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khoẻ, vì nguyên lý thịt không có bảo quản dễ phát sinh vi khuẩn. Xu hướng này cũng đang đi ngược với thế giới, đã chuyển qua ăn thịt mát, thịt trữ đông từ lâu. Ông Phan Xuân Thảo, nguyên chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM, từng khẳng định miếng thịt bán không có bảo quản rất dễ bị biến chất và ôi thiu. Trong trường hợp bán không hết buổi sáng mà để quá trưa qua chiều, nguy cơ nhiễm khuẩn E. coli, Salmonella, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn… rất cao. Những loại khuẩn này, đang có đầy dẫy trong môi trường không khí, hoặc có thể phát sinh từ quầy sạp dơ bẩn, dao thớt, giẻ lau, tay chân người bán tiếp xúc trực tiếp với miếng thịt.

Bằng kinh nghiệm làm thực phẩm lâu năm, ông Phi Long, giám đốc công ty chăn nuôi Long Bình, Đồng Nai cũng cho rằng, ngoài việc sử dụng kháng sinh… quá đà, thịt heo, gia cầm khi đưa ra thị trường còn chưa được bảo quản đúng cách. Ông kể: thông thường, công ty giao thịt gà vào một số hệ thống siêu thị lúc 5 giờ sáng, lúc này chỉ có nhân viên phụ trách kho đứng ra nhận. Do có nhiều siêu thị chưa có hệ thống kho mát, nên khi nhân viên nhận hàng rồi thì họ ném vạ vật gà ở ngoài trời, cho đến tận 7, 8 giờ mới có người tiếp hàng đưa vào tủ mát. Trong thời gian ba bốn tiếng con gà từ chỗ đã được làm mát, đóng gói, hút chân không ở lò mổ, đã không được siêu thị đưa vào kho mát nên thịt không còn tươi, bị vi khuẩn E. coli, Salmonella xâm nhập.

“Với cách bảo quản như vậy, miếng thịt gà, thịt heo hay bất cứ mặt hàng tươi sống nào bán ở siêu thị cũng đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Long khẳng định, và cho biết công ty đã có lần đưa thịt gà vào siêu thị, nhưng sau này phải rút lui vì… sợ mất uy tín.

Từ đầu năm 2017, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã quy định 15 loại kháng sinh được phép sử dụng trong chăn nuôi, liều lượng cũng giảm từ 8 – 10ppm/kg xuống còn 5ppm/kg. Tuy nhiên, phó tổng giám đốc công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai tiết lộ, trong quý 2/2017 đã tiến hành thử nghiệm liều lượng kháng sinh theo quy định mới của bộ trên một trang trại heo giống. Kết quả, tỷ lệ heo con sinh trưởng không đạt lên tới 70%, tỷ lệ chết tăng từ 3% lên 8%. “Bản thân heo giống bố mẹ ở Việt Nam đã mang mầm bệnh tai xanh, lở mồm long móng và nhiều thứ bệnh khác, nên nếu cắt bớt kháng sinh trong thức ăn hoặc giảm liều lượng kháng sinh chích theo chu kỳ, con heo sẽ khó chống chọi với dịch bệnh”, ông này khẳng định.