Dân Việt

Muốn sản xuất snack an toàn cho trẻ con mà sao khó trần ai

Hoàng Lan 13/01/2018 08:02 GMT+7
Cứ nhìn những bé con mua những loại snack không rõ nguồn gốc trước cổng trường, những loại khoai tây ép đùn, pha chế gia vị kiểu gì mà càng ăn càng khát nước, Đỗ Văn Mừng, chủ cơ sở chế biến snack khoai lang cắt lát Vạn Lộc tự hỏi sao không làm thử khoai lang sấy từ nguyên liệu xứ mình cho bọn trẻ an toàn hơn?

Năm nay, người trồng khoai lang gặp may, đầu năm dương lịch giá khoai lang tím giống Nhật ở Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long lên tới 1,1 triệu đồng/1 bao tạ (60kg), quá lý tưởng cho người bán khoai thô. “Cũng may là các nhà chế biến không dùng nguyên liệu này chứ với giá đó thế nào cũng phải “gióng trống lui quân”, một doanh nghiệp chế biến khoai ở địa phương, nói.

img

Khởi nghiệp ở một tỉnh chưa phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, anh Mừng phải tự lo, tự dò tìm thông tin để gia công cơ khí, tìm thợ giỏi, mua máy, nhập dao cắt, làm bao bì… sao thấy khổ quá.

Nghe hai từ “cũng may” thấy xót xa làm sao vì lâu nay chế biến, bảo quản sau thu hoạch là bài toán khó chưa ai giải được, và vì khó quá nên ai nấy bỏ chạy.

Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có khoảng 10.000ha chuyên trồng khoai lang, chủ yếu là khoai lang tím Nhật, sản lượng trên 450.000 tấn/năm. Mỗi năm mức đầu tư xã hội vào khoai lang hàng ngàn tỷ đồng để tạo ra giá trị sản lượng 2.600 – 5.200 tỷ đồng. Số lao động tham gia vào hoạt động ngành hàng khoai lang tại Bình Tân vào năm 2013 trên 58.282 người. Hiện nay, công việc thu hút cả lao động thời vụ từ thị xã Bình Minh.

Tại huyện Bình Tân và thị xã Bình Minh có khoảng 40 điểm thu gom khoai lang để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tứ Xuyên có diện tích trồng khoai lang lớn nhất Trung Quốc (873.000ha, sản lượng 3.314.000 tấn năm 2000 (theo He Ning Liu), nhưng họ vẫn đến Bình Tân tìm khoai lang tím Nhật.

Chính cách mua bán khoai thô – nhanh, gọn, mau thu tiền – nên dù trồng giống khoai lang tím Nhật, bí đường xanh, khoai lang bản địa như dương ngọc, khoai lang sữa, khoai lang giấy… hầu như người trồng chỉ nghĩ tới việc bán khoai thô. Một vài cơ sở chế biến tại chỗ tìm cách làm khoai sấy, làm bột nhưng quy mô nhỏ và hành trình sản phẩm còn nhiêu khê do chưa có nhiều khác biệt.

Đỗ Văn Mừng ở ấp Hoà Lợi, xã Xuân Hoà, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, chủ cơ sở chế biến snack khoai lang cắt lát Vạn Lộc, tìm tới vùng trồng khoai Bình Tân, nhưng chỉ nhắm tới khoai lang trắng sữa. Khác khoai lang trắng giấy chứa nhiều bột, khoai lang trắng như củ sắn, luộc nứt vỏ, tươm mật, nhưng nhão hơn nên chỉ có cách sấy. Lại may quá, giá khoai rẻ. Nhưng nguy cơ tiềm ẩn vì rẻ quá thì sẽ chẳng ai trồng nữa.

Cùng là khoai lang trắng sữa, nhưng chất lượng khoai ở Cù Lao Dung và Bình Tân khác nhau. Ở một số xã thuộc Cù Lao Dung cũng ít có vùng trồng khoai lang sữa đủ chuẩn chế biến nên Mừng phải kiểm mẫu đất, thử cả hai điều kiện tưới nước ngầm và nước mưa, chế độ chăm sóc… rồi mới tiến hành gieo giống, hướng dẫn cách trồng đúng quy trình, ghi chép… Hiện nay, chỉ có một hợp tác xã có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Mỗi ngày, cơ sở Vạn Lộc cần 200 – 300kg  khoai (cứ 100kg tươi ra 600 – 700 gói thành phẩm), công suất tối đa 2.000 gói/ngày, không thể hơn nữa vì nguyên liệu kiếm được chỉ chừng ấy.

Khoai lang đạt chuẩn ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóch Trăng ngọt sẵn, không cần đường, giá mua 4.000 đồng/kg, gấp đôi giá thị trường, thực ra giá 2.500 đồng/kg nông dân có lời. Hai năm nay, Cù Lao Dung là nguồn cung đạt yêu cầu chất lượng, nhưng chỉ kéo dài 4 – 5 tháng. Hết mùa mía, nông dân trồng bí, qua khoai; hết khoai ở cù lao, Mừng cần tìm nguồn bổ sung từ Bình Tân, mỗi năm có hai mùa khoai lang trắng sữa. Nhưng khoai ở đây không dòn xốp, thậm chí cứng hơn khoai Cù Lao Dung, luộc thì ngon nhưng sấy khoai xắt lát sấy tẩm gia vị, quay ly tâm tỷ lệ bể hơn hơn phân nửa.

Hiện nay, bốn nhà phân phối ở Hà Nội, TP.HCM, Sóc Trăng đặt hàng, Mừng cần 10 tấn khoai/ngày, trong khi công suất chế biến 2 tấn/ngày. Mở rộng cơ sở chế biến không có gì khó, nhưng anh không dám vì chưa có vùng nguyên liệu ổn định. Trồng khoai ba tháng thu hoạch, một năm hai vụ. Ở Bình Tân, năng suất  80 – 100 tạ/công; 300.000 đồng/tạ, người trồng có 30 triệu đồng trong khi vốn khoảng 7,5 triệu, giá mà có ai đó giúp cho nông dân trồng đúng cách để khoai trở thành nguyên liệu chế biến.

Khởi nghiệp ở một tỉnh chưa phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, Mừng phải tự lo, tự dò tìm thông tin để gia công cơ khí, tìm thợ giỏi, mua máy, nhập dao cắt, làm bao bì… sao thấy khổ quá.

Khởi nghiệp với số vốn 160 triệu đồng, tích luỹ từ hồi là hướng dẫn viên du lịch, như muối bỏ biển, nhưng Mừng vẫn quyết định sang Malaysia, ở đó năm tháng tìm hiểu công nghệ, thiết bị với sự trợ giúp của cô em gái. Trở về xứ với hai hình ảnh tương phản: một bên là hệ sinh thái hoàn hảo hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp ở xứ người, và một bên là thực trạng xứ mình cái gì cũng có nhưng chẳng ăn nhập, chẳng có gì khớp nhu cầu. Mừng tự thiết kế và thuê gia công cơ khí ở TP.HCM để có máy xắt lát chỉ với 25 triệu, thay vì mua máy 80 triệu đồng mà cắt không như ý muốn. Tương tự, máy đóng gói hồi xưa đóng ép bán tự động, xé bịch tháo mồ hôi, bây giờ có máy tự động, cắt răng cưa dễ xé, cũng phải cải tiến. Anh chọn cách cải tiến vì nếu chọn máy đúng yêu cầu thì tiền tỷ. Dự án của địa phương hỗ trợ 280 triệu đồng cho các hạng mục mua máy.

Mừng chỉ còn cách chọn lựa duy nhất là tự chế: xách bị lên TP.HCM, cùng làm ngày làm đêm với thợ suốt năm tháng, riêng chiếc máy vừa phun gia vị vừa sấy ly tâm, làm hoài không đạt, tới 15 ngày cuối cùng mới ra được kết quả ưng ý. Dự tính tiến độ chín tháng là hoàn tất dây chuyền, nhưng chạy ra 12 tháng. Tới hồi làm xong, công suất chỉ bằng 1/10 so máy nhập. Vậy mà anh thợ  làm “quắn não” nói làm xong rút ra được nhiều điều để tính tới nhu cầu thiết bị cho cơ sở nhỏ. Riêng Mừng nói: “Trên đời này chắc chỉ anh thợ có tâm này chứ người khác, không ai chịu làm đâu”.

Khởi nghiệp ở một tỉnh chưa phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, Mừng phải tự lo, tự tìm thông tin để gia công cơ khí, tìm thợ giỏi, mua máy, nhập dao cắt, làm bao bì… sao thấy khổ quá. Lúc đầu anh ao ước có vốn, những thứ khác đã có sở ban ngành, nhưng khi cần kỹ thuật, cần thông tin từ những nghiên cứu cất trong hộc tủ ở đâu đó về tài nguyên đất, nước, đặc điểm cây trồng, nguyên liệu có thể chế biến… Đôi khi chỉ cần cán bộ kỹ thuật trả lời giúp tại sao vùng này làm được khoai đủ chuẩn, còn vùng kia lại không, nhưng không phải “muốn là được, ước là thấy”.  

Những niềm hy vọng cho Sóc Trăng

Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (canadadian International Development Agancy - CIDA) duy trì kế hoạch đóng góp vào kế hoạch phát triển của tỉnh Sóc Trăng thông qua Dự án phát triển DNNVV (từ năm 2011-2018) nhằm gia tăng các cơ hội phát triển kinh tế được mở rộng cho nam giới và phụ nữ nghèo, bao gồm cả các nhóm dân tộc thiểu số, tại tỉnh  này.

Cuộc khảo sát trực tiếp ghi nhận ý kiến tại 7 cơ sở sản xuất, 4 doanh nghiệp tư nhân, 3 hợp tác xã và 2 công ty TNHH do Trung tâm BSA thực hiện năm 2016 cho thấy các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, Sóc Trăng xuất hiện yếu tố khác biệt với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm mang tính đặc trưng của tỉnh (hành tím, gạo ST, bánh pía, nấm,…). Bằng nhiều hình thức khác nhau, các cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ gia tăng năng lực sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, xây dựng website; tập huấn cho doanh nghiệp về kỹ năng xúc tiến thương mại; tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia các chương trình hợp tác thương mại – kết nối cung cầu; hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm.

Tham gia Dự án này, BSA đã cung cấp chuyên gia phân tích thực trạng, hỗ trợ xây dựng nội dung Kế hoạch với các nhóm giải pháp và hoạt động cụ thể về: nâng cao sự quan tâm của doanh nghiệp đến hoạt động xúc tiến thương mại như tổ chức kết nối giao lưu với các doanh nghiệp lớn để học hỏi; xây dựng và phát triển, hỗ trợ kỹ năng xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp; giới thiệu, kết nối doanh nghiệp với các nhà mua hàng, nghiên cứu cách thức truyền thông phù hợp đối với từng nhóm giải pháp.Trường Đại học Cần Thơ cũng đã thực hiện nhiều Dự án hỗ trợ địa phương xác lập danh mục sản phẩm tiêu biểu. Vấn đề còn lại là quá trình triển khai, đồng bộ hóa các giải pháp đã được tư vấn.