Ngoài Nghệ An, huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) cũng nổi tiếng có những cây trà hoa vàng lâu năm, có thể chế biến thành loại trà có hương vị vô cùng thơm ngon.
Trà hoa vàng thường mọc trong rừng, nhưng hiện nay đang được nhiều người "thuần hoá" trồng trong vườn nhà.
Theo tìm hiểu của PV, trước đây cây hoa trà thường mọc hoang trong rừng núi ở Ba Chẽ. Nhận thấy cây trồng này mang lại giá trị kinh tế cao, ngoài khai thác trà hoa vàng trên rừng, nhiều hộ đã mạnh dạn lấy giống về trồng, điển hình là gia đình ông Nịnh Văn Trắng ở thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ.
Ông Nịnh Văn Trắng trồng trà hoa vàng đã được gần 10 năm. Ảnh: Bizmedia.
Sau khi thu hái xong các chị bỏ từng bông hoa vào trong ống nứa để chè được tươi nguyên. Ảnh: Thanh Sầm
Ông Trắng cho biết, sau khoảng 3 năm trồng, cây trà bắt đầu cho thu hoạch lá, sau 4 - 5 năm cây sẽ cho thu hoạch hoa. Thời gian thu hoạch hoa tập trung từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch. Thời điểm thu thích hợp nhất là lúc nụ hoa còn chưa bung nở. Nếu hoa nở, các loài ong, chim, bướm, kiến tới ăn nhụy ngọt sẽ khiến hoa bị thâm, chất lượng của trà giảm.
Đây là khâu rửa chè để đảm bảo chè sạch trước khi đưa vào chế biến. Ảnh: Thanh Sầm
Sau khi thu hái, nụ hoa được đưa về, phân loại theo kích cỡ, sau đó đem hấp. Sau công đoạn hấp, người làm tách cánh hoa thủ công bằng tay để hoa khô và dễ sấy. Tiếp đó, từng bông hoa được đặt vào khay inox và đưa vào lò sấy ở 60 - 70 độ C trong 6 - 7 giờ.
Chè rửa xong được lựa chon theo từng loại trước khi đem vào hấp, sấy. Ảnh: Thanh Sầm
Cuối cùng, hoa trà được để nguội rồi đóng gói. Nhờ được sấy khô hoàn toàn mà bông hoa trà còn nguyên màu vàng tươi, hình dáng đẹp, đồng thời bảo quản được 3 - 4 năm.
Theo các nghiên cứu khoa học, trà hoa vàng hay con gọi là Kim hoa trà (danh pháp hai phần: Camellia chrysantha) là một loài thực vật hạt kín trong họ Theaceae. Nó được tìm thấy ở Trung Quốc (tây nam tỉnh Quảng Tây) và Việt Nam.
Chè được đưa vào lò sấy và phải kiểm tra thường xuyên để từng bông chè được sấy đều. Ảnh: Thanh Sầm
Trà hoa vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị để sử dụng như lấy gỗ, có thể làm cây trồng tầng dưới ở các đai rừng phòng hộ, trồng làm cây cảnh và làm đồ uống cao cấp, có tác dụng phòng và chống các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, u bướu.
Trà hoa vàng tỏa hương thơm hấp dẫn, thu hút những chú ong mật đến hút mật hoa. Ảnh: Liễu Chang
Một số công trình nghiên cứu cho thấy trà hoa vàng có tác dụng giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp, hạ đường huyết; chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu…
Lá trà hoa vàng có thể uống, điều chỉnh các chất béo trong cơ thể, lượng đường trong máu, giải độc gan và thận...
Hoa và lá của trà hoa vàng đều có giá bán rất cao. Hiện hoa trà tươi có giá khoảng 1 - 1,3 triệu đồng/kg, thậm chí có thời điểm đạt 2 triệu đồng/kg; loại khô là 13 - 15 triệu đồng/kg.
Với những công dụng tuyệt hảo đó, trà hoa vàng, từ hoa, lá đến cây con đang được săn lùng ráo riết như bảo bối. Giá cả của nó cũng được đẩy lên cao mỗi ngày do nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Cơn sốt trà hoa vàng nhanh chóng lan ra khắp miền từ Nam chí Bắc.
Trà hoa vàng là giống cây bản địa của Ba Chẽ, đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Bizmedia.
Cận cảnh những bông hoa trà màu vàng tươi, nở rực rỡ. Ảnh: I.T