Dân Việt

"Biết đâu 10 năm nữa tôi lại bị hỏi về những dấu chấm, dấu phẩy?"

Phi Long 12/01/2018 18:30 GMT+7
“Không phải câu chuyện nội bộ không tin nhau nhưng vì giữ mình nên phải như vậy. Ngay trong hợp đồng của PVN với các đối tác cũng ghi rõ, nếu liên quan đến khởi tố thì họ ngừng ngay tín dụng. Biết đâu 10 năm nữa tôi lại bị hỏi về những dấu chấm, dấu phẩy?”, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh chia sẻ tại Hội nghị tổng kết của PVN diễn ra chiều nay, 12.1.

img

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) và Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh (trái) tại hội nghị tổng kết của PVN diễn ra ngày hôm nay, 12.1. (Ảnh: I.T)

PVN đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất 

Báo cáo của PVN cho biết, trong năm 2017, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 4 triệu tấn dầu quy đổi; Tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 25,41 triệu tấn, vượt 1,6 triệu tấn quy dầu so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 15,52 triệu tấn, hoàn thành trước kế hoạch cả năm 32 ngày, vượt 1,32 triệu tấn so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm.

"Nếu không răn đe mà cứ để trôi đi thì không biết vốn sẽ trôi đi đâu. Do vậy việc răn đe, nghiêm minh là cần thiết để tất cả điều chỉnh lại mình. Dừng lại hay tiếp tục đầu tư là vấn đề hết sức đau đầu, đòi hỏi bản lĩnh của cán bộ PVN", Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh chia sẻ.

Tuy nhiên, đánh giá năm 2017, PVN cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, có thể khách quan đánh giá năm 2017 là năm khó khăn nhất đối với PVN trong suốt chặng đường hơn 40 năm xây dựng và phát triển; một số khó khăn, tồn tại không chỉ đã ảnh hưởng đến Tập đoàn trong năm 2017 mà sẽ còn ảnh hưởng đến phát triển bền vững của Tập đoàn trong năm 2018 và những năm tiếp theo trong đó phải kể tới:

Gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2017 đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra; hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện tại đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30%; 

PVN cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, các cơ quan có thẩm quyền đã và đang đồng loạt xử lý nhiều vấn đề tồn tại của Tập đoàn, uy tín và mức tín nhiệm của Tập đoàn bị giảm sút, gây khó khăn trong công tác thu xếp và giải ngân vốn đầu tư và trong mọi mặt hoạt động của Tập đoàn để phát triển biển vững; Hầu hết các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và chậm tiến độ so với kế hoạch; công tác giải quyết các tồn tại, khó khăn của một số dự án như Ethanol, xơ sợi Đình Vũ, một số dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn phức tạp.

img

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu PVN tiếp tục xử lý triệt để 5 dự án yếu kém, thua lỗ. (Ảnh: TL)

Xử lý triệt để 5 dự án yếu kém, thua lỗ

Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, năm 2018, PVN đặt mục tiêu khai thác 22,83 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó dầu thô là 13,23 triệu tấn.

Để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018, PVN tập trung vào 10 nhóm giải pháp chủ yếu. Bên cạnh đó, PVN đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tìm kiếm thăm dò thẩm lượng năm 2018, phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2018 đạt từ 10 - 15 triệu tấn dầu quy đổi.

“Để đảm bảo cân đối nguồn tài chính và cơ cấu lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, PVN tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc 5 dự án yếu kém theo đúng chủ trương đã được phê duyệt”, ông Sơn cho biết.

Theo báo cáo của PVN, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 448,6 nghìn tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm - góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP đất nước cả năm 2017. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 498 nghìn tỷ đồng, vượt 13,8% so với kế hoạch năm, tăng 10,1% so với năm 2016. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 97,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22,9 nghìn tỷ đồng (vượt 30,8%) so với kế hoạch năm, tăng 8,0% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm.

Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh chia sẻ: “Biết đâu 10 năm sau vào một ngày đẹp trời sẽ lại bị hỏi về những dấu chấm, dấu phẩy… Không phải câu chuyện nội bộ không tin nhau nhưng mà vì giữ mình nên phải như vậy. Ngay trong hợp đồng của PVN với các đối tác cũng ghi rõ, nếu liên quan đến khởi tố thì họ ngừng ngay tín dụng…”.

Theo ông Thanh, nếu không răn đe mà cứ để trôi đi thì không biết vốn sẽ trôi đi đâu. Do vậy việc răn đe, nghiêm minh là cần thiết để tất cả điều chỉnh lại mình. Dừng lại hay tiếp tục đầu tư là vấn đề hết sức đau đầu, đòi hỏi bản lĩnh của cán bộ PVN.

Tân Chủ tịch HĐQT của PVN cũng cho rằng, nếu được sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ tháo gỡ kịp thời từ Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, giai đoạn khủng hoảng của Tập đoàn sẽ sớm khép lại để mở ra những cơ hội mới, vận hội mới cho PVN vực dậy và phát triển bền vững, lấy lại niềm tin của Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tập thể ngành dầu khí đã nỗ lực hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu sản xuất Chính phủ giao. Các chỉ tiêu đều về đích trước kế hoạch năm từ 3 - 53 ngày, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, PVN vẫn còn những tồn tại do những năm trước để lại làm ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của PVN trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Cụ thể, các mỏ đều đang ở giai đoạn cuối, sản lượng sụt giảm, việc phát triển các mỏ mới để gia tăng trữ lượng còn chậm do hạn chế về vốn, năng lực...

“Đây là thách thức rất lớn đối với PVN, ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu chiến lược và sự phát triển của PVN. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước kém hiệu quả và chưa được xử lý, ảnh hưởng lớn đến uy tín, tâm tư, tình cảm của PVN cũng như người lao động”, Phó Thủ tướng nói.

Vì vậy, trong năm 2018, ngoài việc khắc phục hiệu quả những mặt hạn chế nêu trên, PVN cần phải thích ứng với những khó khăn, rủi ro từ yếu tố khách quan như: giá dầu phục hồi, nhưng chưa ổn định, việc giảm sút sản lượng ở các mỏ đang khai thác...

Ngoài ra, PVN cần tập trung tái cơ cấu toàn diện bộ máy quản lý từ công ty mẹ đến các đơn vị thành viên theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp; tái cấu trúc đầu tư, quản trị để chống thất thoát, lãng phí. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo sự phát triển bền vững.

“Đặc biệt, PVN cần chỉ đạo và xử lý triệt để các tồn tại của 5 dự án yếu kém gồm: Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.