Trước U23 Hàn Quốc, U23 Việt Nam đã chơi kiên cường, thậm chí có bàn dẫn trước. Thế nhưng rốt cục các học trò của HLV Park Hang-seo lại thua ngược 1-2. Trong 2 bàn thua của U23 Việt Nam, có 1 bàn đến từ những bất lợi không dễ gì xóa nhòa, đó là khả năng tranh chấp bóng bổng.
Chiều cao trung bình của U23 Việt Nam thua xa U23 Australia và U23 Hàn Quốc. Ảnh: IT.
Nửa cuối hiệp 2, trong thế bế tắc, U23 Hàn Quốc đã thường xuyên treo bóng vào vòng cấm U23 Việt Nam để tận dụng chiều cao của các tiền đạo nhằm tung ra những quả đánh đầu. Và một tình huống như thế, họ đã có bàn ấn định tỷ số 2-1. Phút 73, U23 Hàn Quốc được hưởng 1 quả đá phạt, Yoon Seung-won treo bóng khó chịu vào vòng 16m50 và Lee Keun-ho bật cao đánh đầu ngược tung lưới thủ thành Tiến Dũng trong sự bất lực của các hậu vệ áo trắng.
Nhắc lại cách đây 2 năm, tại VCK U23 châu Á 2016, U23 Việt Nam để thua 8 bàn thì có tới 5 bàn đến từ những tình huống bóng bổng. Rõ ràng, bóng bổng là tử huyệt của chúng ta, nhưng quá khó để có thể khắc phục điều đó khi mà thể hình và chiều cao của các cầu thủ Việt Nam đều thua kém nhiều so với đối phương, đặc biệt là các đối thủ đến từ Tây Á, Bắc Á và Đông Á.
Hãy xem, tại VCK U23 châu Á 2018, chiều cao trung bình của U23 Việt Nam là 1m75. Trong khi đó, U23 Hàn Quốc và U23 Australia có chiều cao trung bình 1m82. Số lượng cầu thủ cao trên 1m80 của Việt Nam, Australia và Hàn Quốc lần lượt là 8, 13 và 14 cầu thủ. Về phía U23 Syria thì không có thống kê cụ thể, nhưng chiều cao trung bình của họ cũng xấp xỉ 1m80.
Ở trận đấu tiếp theo, U23 Việt Nam sẽ đụng U23 Australia. Chắc chắn, khi đã chứng kiến U23 Việt Nam chơi chặt chẽ như thế nào trước U23 Hàn Quốc, HLV Ante Milicic của U23 Australia sẽ yêu cầu các học trò sử dụng nhiều tình huống bóng bổng để giải quyết bế tắc.