Dân Việt

Thảm bại của tiêm kích Mỹ trước trực thăng trong tập trận năm 1978

Lã Linh 14/01/2018 20:00 GMT+7
Trực thăng lục quân Mỹ từng đánh bại tiêm kích không quân với tỷ lệ 1:5 trong cuộc tập trận liên hợp cách đây 40 năm.

img

Trực thăng Mi-24 là mối đe dọa lớn với quân đội Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh: War is Boring.

Vào cuối thập niên 1970, Liên Xô sở hữu lực lượng trực thăng uy lực với nòng cốt là trực thăng chiến đấu đa dụng Mi-24. Lo ngại trước sự phát triển của đối thủ, không quân Mỹ quyết định thực hiện một loạt thử nghiệm nhằm đánh giá khả năng không chiến của trực thăng vũ trang, theo WATM.

Đợt thử nghiệm mang tên "Tập trận hiệp đồng Chống trực thăng vũ trang" (J-CATCH) được chia làm 4 giai đoạn. Mở đầu là giao chiến một đấu một giữa các trực thăng trên hệ thống mô phỏng của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), với sự tham gia của phi công đến từ các quân binh chủng.

Giai đoạn hai sử dụng trực thăng thật tại căn cứ Rucker. Quân xanh được trang bị trực thăng tấn công AH-1 Cobra và trực thăng trinh sát OH-58, quân đỏ đóng vai lực lượng Liên Xô với trực thăng vận tải CH-3E và UH-1N. Điều khó khăn là Mỹ cần loại trực thăng tương đương với Mi-24 Liên Xô để đánh giá tính năng và xây dựng chiến thuật đối phó. Tuy nhiên, Mi-24 là dòng trực thăng độc đáo, có thân to như CH-3E và khả năng cơ động của AH-1 Cobra.

Nhiệm vụ đóng vai quân đỏ được giao cho Phi đoàn đặc nhiệm số 20 không quân Mỹ. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cử các chuyên gia truyền đạt tính năng kỹ chiến thuật của trực thăng Mi-24 cho phi công Mỹ. Giai đoạn hai rất hiệu quả, nhiều chiến thuật mới được phát triển, trong khi trực thăng tấn công tỏ ra là đối thủ đáng gờm trong các trận không chiến.

img

Trực thăng tấn công AH-1 Cobra của lục quân Mỹ. Ảnh: US Army.

Tuy vậy, Lầu Năm Góc vẫn chưa thỏa mãn với kết quả này. Quân đội Mỹ muốn biết kết quả đối đầu giữa những tiêm kích tối tân của không quân Mỹ với trực thăng đối phương. Không quân Mỹ chọn cường kích A-7, A-10, tiêm kích F-4, F-15 để đối đầu với trực thăng lục quân Mỹ trong giai đoạn ba của J-CATCH.

Trong suốt hai tuần, trực thăng lục quân bất ngờ chiếm ưu thế trước tiêm kích của không quân. Nhờ sử dụng chiến thuật hợp lý, phi công trực thăng liên tục "bắn hạ" đối phương trong những trận đánh mô phỏng.

Phi công tiêm kích Mỹ không biết mình bị bắn hạ cho đến lúc quay về căn cứ. Điều này dẫn tới các tranh cãi giữa hai bên, do phi công trực thăng không báo hiệu khi thực hiện đòn tấn công mô phỏng.

Để giải quyết tranh cãi, Lầu Năm Góc ra lệnh hai bên phải hô khẩu lệnh "Gun-gun-gun" (bắn pháo) mỗi khi tấn công đối phương. Đến cuối giai đoạn ba, không quân Mỹ bị đánh bại với tỷ số 5:1, tức là phải mất 5 tiêm kích và cường kích để đổi lấy một trực thăng lục quân.

img

Tiêm kích F-15 trong biên chế không quân Mỹ. Ảnh: Boeing.

Giai đoạn 4 được bắt đầu trong năm 1979 để đánh giá hiệu quả đối đầu giữa máy bay cánh bằng và trực thăng tấn công. Lầu Năm Góc kết luận sự cơ động giúp trực thăng giành lợi thế rất lớn trong các trận không chiến trong tầm nhìn thị giác với tiêm kích.

Tiêm kích F-15 có khả năng khóa mục tiêu trực thăng từ khoảng cách 65 km, nhưng trong cuộc tập trận này, họ không được phép khai hỏa từ ngoài tầm nhìn thị giác, mà phải tiếp cận ở khoảng cách 6-9 km để nhận diện đối phương bằng mắt thường. Ở khoảng cách này, trực thăng sở hữu các loại tên lửa đủ sức đánh bại tiêm kích, trong khi khả năng cơ động linh hoạt giúp nó có thể ẩn nấp tốt hơn nhiều so với tiêm kích.

Sau khi hoàn tất J-CATCH, không quân Mỹ kết luận tiêm kích cần tránh giao chiến tầm gần với trực thăng tấn công, trừ khi điều kiện chiến trường cho phép phi công xác định được mục tiêu và khai hỏa từ xa hoặc chiếm lợi thế độ cao lớn.