Xuất khẩu bấp bênh
Trong hơn nửa đầu năm nay, xuất khẩu (XK) thủy sản sang các nước thuộc khối EU gặp nhiều khó khăn không chỉ do tác động của khủng hoảng nợ công ở châu Âu mà còn do những rào cản phi thuế của các thị trường này. Giá trị XK sang khối thị trường này giảm mạnh, trong đó Đức giảm 26,4%, Hà Lan giảm 10,9%, Italia giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2011.
Giá tôm xuất khẩu DN đã hạ xuống thấp hơn giá thành mà còn không có người mua. |
Nhu cầu tiêu thụ tại EU giảm đã buộc nhiều nhà XK phải chuyển sang các thị trường khác như Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường, nhất là trong các tháng đầu năm ở 2 nước này không được như mong đợi. Tiêu thụ thấp trong khi lượng dự trữ còn nhiều đã dẫn tới nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ giảm sút. XK tôm sang Nhật Bản tuy khả quan nhưng lại vướng rào cản an toàn vệ sinh thực phẩm mới.
Ngành tôm sẽ là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện?
Hiện VASEP đã kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét quy định, ngành tôm là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như các quy định về: Mức vốn tự có tối thiểu; phương án nhân sự chủ chốt có bằng cấp, có kinh nghiệm; quy định về công tác bảo vệ môi trường như phương án xử lý chất thải…
Ông Hồ Quốc Lực- Chủ tịch Ủy ban tôm thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: “Chưa khi nào các doanh nghiệp (DN) XK tôm Việt Nam lại gặp khó như hiện nay, khi giá bán thậm chí thấp hơn nguyên liệu đầu vào. Nguyên nhân một phần là do nguồn tôm nguyên liệu khan hiếm, DN phải thu mua với giá cao. Mặt khác, sức ép cạnh tranh từ quốc gia sản xuất tôm khác trên thế giới như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ trúng mùa đẩy các DN XK tôm vào tình thế khó khi buộc phải bán với giá ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn các đối thủ cạnh tranh này”.
Ông Lực phân tích tiếp: “Các yếu tố đầu vào như năng lượng, vật tư, tiền công đều tăng; chi phí kiểm tra tăng mạnh; các DN phải tăng tần suất kiểm tra từ khâu nguyên liệu đến chế biến; tỷ giá USD đều ở thế bất lợi… khiến giá thành sản xuất tôm Việt Nam rất cao”.
Thách thức ngay trên sân nhà
Tuy nhiên, thị trường chưa phải là vấn đề khiến DN “căng như dây đàn” trong lúc này mà điểm mấu chốt thuộc về những yếu tố phát sinh từ trong nước. Trong 6 tháng đầu năm, đã có trên 38.000ha diện tích nuôi bị bệnh, trong đó tôm sú là 35.823ha, tôm thẻ chân trắng 2.49ha tập trung tại các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Kiên Giang. Ước tính thiệt hại đối với ngành nuôi tôm lên tới 5.500 tỷ đồng nhưng nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt cho đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Dịch bệnh làm DN không dám mua hoặc mua cầm chừng vì phải tốn thêm chi phí đi kiểm dịch, làm giá thành đội lên trong khi giá tôm trong nước lại giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng Thư ký VASEP, hiện có một số DN, kể cả DN lớn và nhỏ đang rơi vào tình trạng tê liệt do quá trình cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành khách hàng bằng mọi giá, coi nhẹ chất lượng như mua tôm có tạp chất, chế biến thiếu trọng lượng… nên bị đền bù hoặc mất khách hàng. Mặt khác do vốn tự có thấp nên khi gặp sự cố về tài chính thì sức chịu đựng mỏng, ngân hàng thương mại thiếu an tâm khi đầu tư nên càng khó khăn về vốn.
Còn ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký VASEP thì cho rằng: “Thời điểm khó khăn hiện nay cũng là điều kiện để thị trường tự sàng lọc những DN yếu kém, là cơ hội để tái cơ cấu lại ngành”.
Phụng Anh