Dân Việt

Tên “lưu manh” Ngưu Ngọc Cường (Kỳ 2): Cái kết bất ngờ

Bảo Trâm 30/01/2018 18:30 GMT+7
Cùng với quyết định gia hạn án tù đến năm 2020, Ngưu Ngọc Cường trở thành “tên lưu manh” cuối cùng của Trung Quốc. Vụ việc với đầy chi tiết mâu thuẫn được đưa lên báo chí lập tức gây bùng nổ tranh luận.

img

Ngưu Ngọc Cường và con trai trong những ngày hạnh phúc

Biến cố

Ngọc Cường và vợ gần như chết lặng trước lệnh bắt, rõ ràng mình vẫn luôn chờ ở nhà, đều đặn đến đồn báo cáo, sao có thể coi là tội phạm trốn trại được? Ngọc Cường vội đến Công an quận Triều Dương hỏi, viên cảnh sát trực tại đây mở máy tính ra mới biết Cảnh sát Tân Cương ra lệnh truy nã Ngọc Cường năm 1999 và 2001.

Khi biết việc này, 2 viên cảnh sát mới thay đổi thái độ, nói với Ngọc Cường chỉ cần về trại hoàn thành nốt hình phạt là xong. Theo đúng bản án, đến tháng 4.2008 là mãn hạn. “Còn kịp dự Olympic Bắc Kinh”, một viên cảnh sát nói đùa.

Nhìn chồng thu xếp đồ đạc vào va li, Châu Bảo Hiệp ngồi ôm mặt khóc. Trong làn nước mắt, cô nhìn thấy chồng quỳ dưới chân mình, dặn dò chăm sóc bố mẹ và con trai cho tốt. Đứa nhỏ mới 6 tuổi hoàn toàn không biết gia đình mình xảy ra biến cố gì, ra sức kéo bố đứng dậy. Có người họ hàng khuyên Ngọc Cường nhân đêm tối mà trốn đi nhưng ông tiếp tục thực thi hình phạt vì tội cướp một chiếc mũ và đánh nhau.

Cuộc sống sau khi vắng trụ cột gia đình hết sức khó khăn, Châu Bảo Hiệp một mặt trông nom mẹ chồng đau ốm, một mặt nuôi dạy con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Dù vất vả nhưng cô luôn tâm niệm chắc chắn chồng sẽ sớm quay về đoàn tụ, sống hạnh phúc với  gia  đình.

Nhưng cuối năm 2004, một bức thư từ Tân Cương gửi về đã xóa sạch mọi niềm hy vọng của Châu Bảo Hiệp: Do Ngọc Cường trong thời gian tại ngoại chữa bệnh lần lữa không chịu quay về trại nên thời gian thi hành án bị kéo dài đến 28.4.2020 thay vì 28.4.2008. 

 Niềm tin sụp đổ, Châu Bảo Hiệp bắt đầu chạy vạy khắp nơi để lo cho việc của chồng. Cô tìm đến công an, viện kiểm sát, tòa án, Bộ Tư pháp, những cơ quan mà cô cho là thụ lý vụ việc này để kêu thay chồng.

Tranh cãi pháp lý

Ngày 5.4.2006, trại giam Thạch Hà Tử, Tân Cương chính thức trả lời bằng văn bản trường hợp của Ngưu Ngọc Cường. Theo nội dung văn bản, nếu thời gian cho phép tại ngoại chữa bệnh đã hết mà không quay về thì tất cả khoảng thời gian quá hạn không được tính vào thời gian thụ án.

Phía trại giam cho rằng, Ngưu Ngọc Cường đã biết thời gian được phép tại ngoại, nhưng sau khi hết hạn không chủ động quay về, chứng tỏ có ý trốn tránh hình phạt. Như vậy, việc phải gia hạn thời gian thụ hình là hoàn toàn hợp pháp.

Về các loại công văn giấy tờ cũng như lệnh truy nã được trại giam gửi về Công an quận Triều Dương, Bắc Kinh, trưởng Công an quận cũng như những cán bộ có liên quan đều khẳng định mình về công tác sau nên không rõ. Riêng về lệnh truy nã, trưởng công an quận khẳng định, đơn vị này chỉ phối hợp bắt giữ nếu có yêu cầu, còn việc bắt giữ phải do phía trại giam đứng ra thực hiện.  

Theo Giáo sư Châu Chiết, cựu giảng viên Học viện Chính trị thanh niên Bắc Kinh, trong trường hợp của Ngưu Ngọc Cường, nếu căn cứ vào pháp luật hiện hành thì không cấu thành tội phạm hoặc chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nhẹ, còn hình phạt đã tuyên quá nặng, do vậy cần phải xem xét đánh giá lại để trả tự do nếu không cấu thành tội phạm hoặc định hình theo luật mới nếu vẫn nhận định là có hành vi phạm tội.

Một luật sư giấu tên cho biết, nếu truy đến cùng thì phía trại giam cũng có trách nhiệm, và 12 năm Ngọc Cường tại ngoại nên tính vào thời gian thi hành án.