Dân Việt

Trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam

Phương Đăng 18/01/2018 11:37 GMT+7
Phát biểu khai mạc tại phiên họp Nữ nghị sĩ trong khuôn khổ Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) về chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung”, sáng 18.1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay”.

img

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội - phát biểu khai mạc Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF-26 sáng 18.1 tại Hà Nội.

Sáng 18.1, phiên họp Nữ nghị sĩ APPF-26 được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung”. Ngồi bàn chủ tọa có Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Trong phần khai mạc phiên họp, bà Tòng Thị Phóng cho biết: “Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF lần đầu tiên diễn ra tại Hội nghị Thường niên lần thứ 24 ở Canada tháng 1.2016 và Hội nghị lần thứ 2 diễn ra tại Hội nghị APPF-25 ở Fiji tháng 1.2017. Quốc hội Việt Nam rất vinh dự được chủ trì Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF-26 lần này với mục tiêu quan trọng là đưa Hội nghị Nữ nghị sĩ trở thành cơ chế định kỳ của APPF, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF-26, bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều hướng đến và được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội.

“Bình đẳng giới vừa là mục tiêu của sự phát triển, vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia”, bà Ngân phát biểu trước các đại biểu.

img

Toàn cảnh Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF-26.

Theo bà Ngân, Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương được thành lập năm 1993 nhưng phải đến năm 2016, các nữ nghị sĩ APPF mới lần đầu tiên nhóm họp tại Canada trong khuôn khổ Hội nghị APPF-24 theo sáng kiến của Nghị viện Indonesia.

Trải qua 2 kỳ họp trước, những mối quan tâm của phụ nữ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã có một diễn đàn riêng để thảo luận. Việc tổ chức Hội nghị Nữ nghị sĩ tại Diễn đàn APPF đã góp phần tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của các nữ nghị sĩ cũng như tạo nên mạng lưới kết nối nữ nghị sĩ của các nghị viện thành viên.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay. Hiến pháp Việt Nam và Luật Bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ”.

Khẳng định Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam và mục tiêu bình đẳng giới của Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương, bà Ngân bày tỏ hy vọng rằng, trong thời gian diễn ra Hội nghị, các đại biểu sẽ trao đổi được nhiều thông tin và đưa ra được các đề xuất, sáng kiến nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy bình đẳng giới ở mỗi quốc gia nói riêng, cũng như trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Diễn đàn APPF được thành lập năm 1993, với sự tham gia của 27 nghị viện thành viên. Diễn đàn APPF nhằm tăng cường trao đổi giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh - chính trị, hợp tác kinh tế - thương mại, văn hóa và giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực. Diễn đàn APPF cũng là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) diễn ra từ ngày 18-21.1 tại Hà Nội là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong năm 2018.

Trong cuộc họp báo về APPF-26 chiều 17.1, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội - cho biết, đây là lần thứ hai Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức APPF. 

Đến nay, đã có 22 đoàn nghị viện thành viên (gồm cả Việt Nam) với 355 đại biểu quốc tế đã đăng ký tham dự hội nghị.