Chia sẻ với Dân Việt, bà Hương cho biết: “Đêm hôm trước, một phụ huynh gửi tôi tấm hình chụp một trang truyện tranh rất nhạy cảm với sự phẫn nộ cao độ. Chị ấy nói, chị ấy muốn quát vào mặt ai đó khi xem tranh của những cuốn truyện này. Chị ấy nhờ tôi, một người quen biết nhiều cha mẹ có con đang tuổi đi học, lên tiếng để cảnh báo về dòng truyện tranh nhạy cảm".
Những hình ảnh trong cuốn truyện Thần thoại Hy Lạp của Nhà xuất bản Kim Đồng đang gây nhiều tranh cãi.
"Sáng sớm hôm sau, khi bài viết của tôi lên trang, các cha mẹ đã thật sự lo âu và hoảng hốt. Những hình ảnh đó tự động đã nói lên những gì cần nói. Đến tầm trưa, bài viết của tôi bị report (mạng xã hội không cho phép đăng ảnh nhạy cảm, kích dục - PV) với lý do là phát tán tranh ảnh nhạy cảm với trẻ vị thành niên. Điều này có lẽ đã quá rõ ràng, những tấm hình được vẽ trong cuốn truyện tranh thực sự không phù hợp với các bé đang tuổi đi học”, bà Hương nói.
Nói về tác hại của kiểu truyện tranh này, TS Hương cho rằng, tuổi đi học (từ 6 đến 18 tuổi) là lứa tuổi tò mò, háo hức với đủ thứ trên thế giới bởi bất kể điều gì cũng là lần đầu. Đó cũng là lứa tuổi khao khát tìm kiếm, sẵn sàng ghi nhớ rất lâu những thứ gần như không cần thiết hoặc bị người lớn đánh giá là nhăng nhố.
Chính vì vậy, với các thông tin chưa được kiểm chứng, các bạn nhỏ sẽ ghi nhớ rất lâu, khác hẳn với những thông tin chính thức được đưa vào sách truyện. Những truyện ngoài lề, các bạn ấy sẽ nhập tâm nhanh hơn người lớn, nhớ lâu hơn người lớn và cũng tò mò đi đến cùng… hơn người lớn.
“Khi đọc truyện tranh với các thông tin cụt lủn, thiếu hệ thống, những hình ảnh phản cảm, trẻ em sẽ hoàn toàn có thể hiểu lệch lạc đi, hình thành những thói quen rất xấu, ảnh hưởng đến nhân cách trẻ”, bà Hương khẳng định.
Chứng minh cho điều này, bà Hương chia sẻ câu chuyện: “Tôi vẫn nhớ một lần đi dạy các bạn học sinh THCS, các bạn nhỏ có thái độ rất ngoan nhưng câu từ sử dụng lại cộc lốc. Các bạn thường xuyên nói: Hự, ứ, ầm..., những từ tượng thanh cụt lủn thay cho những câu nói thông thường. Khi cần hỏi lại điều gì, các bạn thường nói: “Chấm hỏi” thay vì đặt nguyên 1 câu hỏi thông thường.
Tìm hiểu kỹ càng hơn, tôi được biết các em học sinh này thường nghiện xem truyện tranh với các ngôn từ cụt lủn, thiếu thông tin và ý nghĩa.
Tôi nhớ, trong một giờ ra chơi, một em học sinh đã báo với cô giáo chủ nhiệm và với tôi về trường hợp một nhóm các em nam đang ngồi đùa nghịch cười phá trong tiết học trước khiến em ngồi gần đó không tập trung học được. Khi chúng tôi tiến hành điều tra, phát hiện ra một em học sinh đã ngồi vẽ những hình ảnh của các bộ phận nhạy cảm của con người lên những tờ giấy nháp và ném cho bạn.
Khi làm việc cụ thể hơn với gia đình bạn nhỏ này, chúng tôi giật mình khi biết bạn ấy có đến cả tập vở với những hình vẽ cực kỳ nhạy cảm, kể cả những hành động gợi dục mà bạn ấy kỳ công vẽ. Phải rất khó khăn và mất rất lâu sau đó, giáo viên cùng gia đình mới kéo được bạn nhỏ này ra khỏi niềm đam mê vẽ tranh nhạy cảm", TS Hương kể.
Truyện tranh nhạy cảm có tác động xấu đến tâm sinh lý trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, điều TS Hương “ám ảnh” nhất từ câu truyện này chính là lời của cậu bé 12 tuổi thơ ngây chất vấn cô giáo chủ nhiệm: “Tại sao trong truyện tranh có mà con không được vẽ ra?”.
TS Hương cho rằng, đã đến lúc những nhà giáo dục cần lên tiếng về hiện tượng tranh ảnh nhạy cảm, nội dung nóng bỏng trong các cuốn sách dành cho thiếu nhi. Trên thế giới phân sách dành riêng cho các lứa tuổi làm gì nếu như thực sự những hình ảnh đó không có hại cho trẻ?